Xây dựng khả năng phục hồi tâm lý cho con bạn

Để giúp trẻ có thể xây dựng được khả năng phục hồi tâm lý không phải là một quá trình dễ dàng. Tuy nhiên, bằng cách cho phép trẻ tự đối mặt với những thách thức và phát triển các chiến lược để đối phó với chúng sẽ giúp trẻ trở nên tự tin hơn và độc lập hơn.

1. Khả năng phục hồi tâm lý là gì?

 

Khả năng phục hồi tâm lý là khả năng trẻ có thể điều chỉnh, thích ứng hoặc vượt qua được những biến cố về thể chất cũng như tinh thần trong cuộc sống. Khả năng tự hồi phục tâm lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi không ai có thể tránh khỏi những thử thách hoặc nghịch cảnh khó lường trước được. Khi con bạn có khả năng phục hồi tâm lý sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn, tự tin hơn và kiên cường hơn trước những khó khăn hay thách thức căng thẳng có thể ập đến bất cứ lúc nào.

2. Làm thế nào để đánh giá được khả năng phục hồi tâm lý của trẻ?

 

Các bậc phụ huynh có thể đánh giá được khả năng phục hồi tâm lý của con bằng cách quan sát khả năng đối phó với sự căng thẳng của trẻ. Chẳng hạn như phản ứng của trẻ khi nhìn thấy hoặc chứng kiến một cảnh tượng khá đáng sợ trong một cuốn sách, chương trình tivi hoặc ngay ngoài đời thực. Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát xem liệu con sẽ có phản ứng như thế nào khi được giao một nhiệm vụ quan trọng đối với chúng.

Nhìn chung, phản ứng sinh học của mỗi đứa trẻ đối với sự căng thẳng đóng một vai trò quan trọng trong mức độ phục hồi tâm lý của trẻ. Một số đứa trẻ có phản ứng nhạy cảm hơn đối với sự căng thẳng, trong khi một số trẻ khác lại dễ dàng vượt qua hơn.

Khả năng thích ứng và phát triển của con bạn khi đối mặt với những thử thách cũng có thể được định hình bởi kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ của trẻ. Những trải nghiệm căng thẳng, chẳng hạn như mất người thân hoặc mắc bệnh mãn tính có thể đè nặng lên tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, khi có các mối quan hệ tích cực hỗ trợ sẽ giúp cho bé tăng được khả năng chịu đựng và vượt qua những mối căng thẳng đó. Tình trạng này được ví như một cán cân, trong đó những yếu tố gây căng thẳng sẽ được xếp dồn về một phía cán cân, và những mối quan hệ tích cực sẽ được xếp vào cán cân còn lại. Khi cân bằng được 2 phía của cán cân sẽ giúp bé có động lực phục hồi tâm lý, hướng tới những điều tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn mặc dù sự căng thẳng không thể biến mất hoàn toàn.

10 lời khuyên để nuôi dạy một cậu bé phát triển toàn diện

Đánh giá khả năng phục hồi tâm lý bằng cách quan sát khả năng đối phó với sự căng thẳng của trẻ

3. Làm thế nào để xây dựng khả năng phục hồi tâm lý cho con bạn?

 

Dù mức độ phục hồi tâm lý của con bạn là gì thì bạn vẫn có thể làm một số điều sau đây nhằm giúp trẻ rèn luyện và củng cố được những khả năng này.

Khuyến khích trẻ tạo lập các mối quan hệ tích cực:

Khi có được sự hỗ trợ của một người trưởng thành và tận tâm, cho dù đó là cha mẹ, giáo viên hay người chăm sóc, cũng có thể giúp một đứa trẻ cảm thấy rằng chúng có những động lực cần thiết để có thể vượt qua nghịch cảnh. Sự kết nối này giống như một không gian bảo vệ, giúp trẻ thoát khỏi những căng thẳng của thế giới bên ngoài và lớn lên một cách khỏe mạnh.

Hơn nữa, những mối quan hệ này cũng đóng vai trò như một “giá đỡ” hỗ trợ trong giai đoạn trẻ đang xây dựng các kỹ năng, chẳng hạn như sự tập trung, giải quyết các vấn đề, tự chủ và kiểm soát sự căng thẳng. Khi trẻ bắt đầu dần trở nên có khả năng tự hồi phục tâm lý và vững vàng hơn thì “giá đỡ” này sẽ từ từ được gỡ bỏ cho đến khi trẻ có thể tự lập hoàn toàn.

Ngoài ra, trẻ cũng sẽ được hưởng một số lợi ích nhất định khi có nhiều mối quan hệ hỗ trợ, bao gồm ông bà, bố mẹ, thầy cô, huấn luyện viên hoặc bạn bè. Tốt nhất, các bậc phụ huynh nên cố gắng đưa ra các cách giúp con củng cố những mối quan hệ tích cực này, hoặc tạo dựng thêm những mối quan hệ hỗ trợ khác cho con.

 

Thúc đẩy niềm tin cốt lõi:

Để giúp trẻ có thể phát triển được khả năng phục hồi tâm lý, bạn nên giúp trẻ hiểu rõ hơn về một số điều sau:

Khuyến khích trẻ tự đưa ra quyết định: trong một số trường hợp nhất định, bạn nên để trẻ tự trải nghiệm kết quả từ chính quyết định của chúng. Nếu bố mẹ luôn tự đưa ra tất cả các quyết định, trẻ có thể hình thành suy nghĩ rằng những gì chúng làm dường như không quan trọng. Trẻ có thể cảm thấy rằng bố mẹ đang nghi ngờ khả năng tự đưa ra quyết định của mình. Chẳng hạn, nếu trẻ đã khẳng định rằng con đã ôn tập kỹ cho một bài kiểm tra, bạn nên để kết quả kiểm tra chứng minh rằng con bạn đúng hay sai. Khi trẻ càng tự đưa ra quyết định nhiều hơn thì chúng sẽ càng trở nên khôn ngoan hơn, tự tin hơn và khả năng phục hồi tâm lý cũng tốt hơn sau những thất bại.

Thất bại là một phần của cuộc sống: nếu trẻ coi thất bại là một cơ hội để học hỏi hơn là bỏ cuộc, thì trẻ sẽ có nhiều khả năng thử những điều mới lạ và trở nên tự tin hơn. Bố mẹ nên thường xuyên động viên con bằng những lời tán thưởng, khen ngợi trước những việc làm tích cực của chúng. Nếu trẻ vừa mới tham gia một hoạt động và muốn dừng lại vì cảm thấy chưa đủ giỏi, bạn nên khuyến khích con tiếp tục tham gia trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này sẽ củng cố được ý chí “thấy khó nhưng không nản” của trẻ.

Giúp con khám phá điểm mạnh: bố mẹ nên giúp con khám phá và phát triển những điểm mạnh đặc trưng của mình, đồng thời tìm kiếm cơ hội để phát huy chúng. Việc sử dụng điểm mạnh của mình để giúp đỡ người khác có thể là một động lực tăng cường sự tự tin cho trẻ.

Dạy trẻ nói chuyện

Giúp con khám phá điểm mạnh có thể phát triển được khả năng phục hồi tâm lý

 

Phát triển tư duy: cuộc sống hiếm khi là một chuỗi thành công. Khi trẻ dần lớn hơn, bạn có thể giúp con thực hiện những mục tiêu lớn hơn và phức tạp hơn trong cuộc đời. Mặc dù sẽ có nhiều sự vấp ngã, nhưng bố mẹ nên trở thành “trợ thủ” đắc lực giúp con đứng dậy và bước tiếp với những thử thách trước mắt. Bạn nên giúp trẻ hiểu ra rằng, thành công ngay lập tức không phải lúc nào cũng là mục tiêu, và thất bại không phải là một điều đáng sợ hoặc cần phải né tránh. Thay vào đó, hãy giúp trẻ coi sự thất bại như một lẽ thường tình của việc học hỏi và thử nghiệm những điều mới. Để làm được điều đó, bạn cần khuyến khích con thử những trải nghiệm mới để tăng thêm sự tự tin và trưởng thành ở trẻ.

Để trẻ tự học hỏi: cho phép con tự học hỏi từ thất bại và để con trải nghiệm điều đó. Trừ khi con đang phải đối mặt với một tình huống mà sự an toàn của trẻ bị đe dọa thì sự can thiệp của bạn là điều cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, chẳng hạn như trẻ không hoàn thành bài tập đúng thời hạn, bạn nên để chúng phải tự đối mặt với hậu quả. Điều này sẽ giúp trẻ tự thiết lập ra các quy tắc của riêng mình và cải thiện hành động theo hướng tích cực hơn.

Nuôi dưỡng cảm xúc cho trẻ là việc làm cần thiết, tuy nhiên, trẻ trong giai đoạn phát triển cũng rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Viết bình luận của bạn