Vai trò của bắt chước đối với sự phát triển tâm lý của trẻ

Đề cập đến định nghĩa của bắt chước, thuật ngữ này xuất phát từ trong sinh học, để chỉ hiện tượng một loài sinh vật có đặc điểm giống hoặc tương tự một loài sinh vật khác, để bảo vệ chính nó hoặc cả hai. Hiện tượng bắt chước là kết quả của quá trình tiến hóa, do quá trình chọn lọc tự nhiên, diễn ra trong một quá trình lâu dài.

1. Vai trò của bắt chước

Trong tâm lý học, bắt chước là một quá trình trong đó một cá nhân sao chép các hành vi mà người đó nhìn thấy/nghe thấy từ người khác. Bắt chước có vai trò quan trọng đáng kể trong đời sống của con người, trong sự phát triển, sự học tập của mỗi cá nhân. Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo và trẻ nhỏ, thông qua bắt chước thì các chuẩn mực hành vi, kỹ năng tự phục vụ và hành động khách quan được hình thành và duy trì. Ở tuổi lớn hơn, hoặc tuổi trưởng thành, cơ chế bắt chước vẫn diễn ra, nhưng có thể theo nhiều cách khác nhau. Cơ chế bắt chước trong tâm lý học có thể có ý thức hoặc vô thức, tuyệt đối hoặc một phần, sáng tạo hoặc thuần túy, tự nguyện hoặc bắt buộc

Đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ, dưới 6 tuổi, là giai đoạn trẻ học hỏi thế giới xung quanh, qua những gì nhìn thấy/nghe thấy, là giai đoạn trẻ hình thành nên tính cách của mình, là giai đoạn trẻ học cách thể hiện bản thân, tiếp thu kiến thức của nhân loại... thì quá trình bắt chước lại được ứng dụng nhiều trong cuộc sống của trẻ. Việc bắt chước giúp trẻ lĩnh hội và học các hành vi nhanh, giúp trẻ phát triển não bộ. Điều này càng đúng trong môi trường có nhiều điều tích cực, nhiều hành vi tốt diễn ra xung quanh trẻ.

bắt chước

Một trong những việc mà trẻ có thể bắt chước dễ nhất là hoạt động với đồ vật

 

2. Những khía cạnh mà trẻ thường bắt chước

2.1. Âm thanh

Âm thanh là sự dao động cơ học của các tần số mà tai người có thể nghe thấy được. Âm thanh bao gồm cả tiếng ồn và âm nhạc. Một số loại âm thanh mà trẻ có thể dễ dàng bắt chước và thích thú khi bắt chước như:

Tiếng động cơ của các loại phương tiện giao thông: tiếng ù ù ù của máy bay, tiếng brừm brừm của xe máy, tiếng kính coong của chuông xe đạp, tiếng bíp bíp của còi xe ô tô...

Tiếng kêu của các con vật: vịt kêu cạc cạc, gà trống gáy ò ó o o o, gà mái kêu “cục cục cục tác”, chó sủa “gâu gâu”, mèo kêu “meo meo”...

Tiếng động của các nhạc cụ được phát ra: tích tích, tò te, thùng thùng thùng...

Tiếng động của nước: mưa to ầm ầm, tiếng sét, tiếng nước chảy róc rách, tiếng nước chảy ồ ồ, tiếng mưa chảy từ hiện xuống tách tách tác

Tiếng động của các đồ vật: nắp vung kêu loảng xoảng, tiếng bóng đập xuống sàn kêu bộp bộp bộp

Tiếng nhạc có thể là giai điệu của các bài hát, có thể biểu thị bằng các âm hoặc các từ đơn...

2.2. Ngôn ngữ

Một trong những ví dụ điển hình của việc bắt chước là học ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Giai đoạn dưới 6 tuổi, trẻ học mọi lời nói, từ ngữ của người lớn và các bạn xung quanh. Từ khi trẻ mới tập nói, ê a những âm đơn giản, đến từ đơn, phát triển vốn từ mới, đặt câu ngắn, đặt câu phức tạp, câu hỏi, ứng dụng ngôn ngữ trong các tình huống khác nhau... cho đến việc tập trình bày, diễn thuyết trước đông người, hoặc phản biện các ý kiến để bảo vệ quan điểm của bản thân... đều cần đến sự bắt chước.

Ở giai đoạn trẻ dưới 4 tuổi, trẻ gần như tiếp thu hoàn toàn các từ ngữ mà người xung quanh biểu đạt, mà nhiều khi trẻ học hỏi một cách vô thức chứ chưa hiểu ý nghĩa của từ. Môi trường để trẻ học ngôn ngữ ở giai đoạn này gồm có: những người thân trong gia đình, bạn bè hàng xóm, bạn bè trên lớp, thầy cô giáo và những người trẻ gặp khi tham gia và các hoạt động xã hội khác. Có thể dễ dàng nhận thấy, có một số trẻ phát âm bị sai chữ “l” và “n” là do những người xung quanh cũng phát âm như vậy. Hoặc trẻ có thể sử dụng một vài từ địa phương do học được từ ai đó. Có một số trẻ có thể sẽ nói chuyện trống không, hoặc hay nói to với người khác, đều là những gì trẻ học được khi giao tiếp với người khác. Bên cạnh đó, khi người lớn trò chuyện thường xuyên với trẻ, để trẻ được thể hiện ý kiến, thường đặt câu hỏi và chờ đợi để trẻ trả lời... thì trẻ có thể phát triển ngôn ngữ theo hướng tích cực. Chẳng xa lạ gì, với những tình huống, trẻ tự tin ra và bắt chuyện với người khác bằng những câu hỏi như: “ Cháu chào ông ạ, ông đi đâu đấy?” hoặc thể hiện “Chó, chó, cháu sợ chó” hoặc giả như giả vờ gọi bố mẹ “Ai ơi đi lấy quần áo cho con” hoặc trẻ có thể đọc/hát được những bài hát/bài thơ/câu chuyện rất dài.... Hoặc rất dễ nhận thấy, tầm quan trọng của việc bắt chước khi cần chỉnh ngọng cho trẻ, hoặc khi dạy trẻ nói lời cảm ơn, nói lời yêu thương người khác.

Ở giai đoạn nhỏ này, trẻ không hoàn toàn bắt chước mọi ngôn ngữ mà trẻ nói, nhưng sự sao chép diễn ra đến 90% các tình huống trong hoạt động thường ngày, và với vốn từ có sẵn, và sự tự học của bản thân, trẻ có thể phát triển thành nhiều mẫu câu đa dạng hơn. Các bạn nhỏ lại tiếp tục học hỏi ở nhau những cách nói chuyện như này.

bắt chước

Trẻ có thể tự tìm thấy những gì mình thích và bắt chước làm theo

 

2.3. Nét mặt, cử chỉ điệu bộ

Ở khía cạnh này, trẻ từ 4 tháng tuổi, đã có những bắt chước nét mặt cơ bản như bắt chước việc khóc, cười, nhăn mặt, làm xấu... khi người lớn hướng dẫn. Đến tầm 9 – 10 tháng, các điệu bộ này trẻ đã thực hiện được thuần thục hơn. Một cử chỉ mà trẻ học sớm và rõ nét nhất là việc chỉ tay – để trả lời câu hỏi của người lớn, để thể hiện mong muốn của mình, để thu hút sự chú ý của người khác, để thể hiện sự quan tâm của bản thân... Đến tầm 18 tháng, trẻ đã có thể học cách lắc đầu ngúng nguẩy, lườm nguýt, cười e thẹn, vẻ mặt khi hào hứng hoặc khi tức giận, cách lắc lư người, lắc lư đầu khi vui... Lớn hơn chút nữa, từ 2 tuổi trở đi, đến tầm 3- 4 tuổi, thần thái của trẻ khi nói chuyện, cách sử dụng cử chỉ, điệu bộ để diễn tả mong muốn của mình đã thể hiện rất rõ nét... và ảnh hưởng từ người lớn không ít, thậm chí có thể thấy được chính hình ảnh của người lớn trong những tình huống đó.

2.4. Hành động với đồ vật

Một trong những việc mà trẻ có thể bắt chước dễ nhất là hoạt động với đồ vật: từ cách với đồ, cầm đồ trong tay, cách xếp chồng các khối gỗ, cách cầm bút di màu, cách cầm kéo... đến cách xây nhà cao tầng từ lego, cách luồn hạt cho khéo, cách xâu vòng.... Đây là những hoạt động thuộc nhóm vận động tinh, và nhiều trẻ bắt chước một cách vô thức, không cần quá nhiều việc phải tập trung hoặc ý thức. Đến khi trẻ lớn hơn, các hoạt động với đồ vật cần phức tạp hơn, như là cầm bút cho đúng, sử dụng đúng chức năng của các đồ vật trong gia đình, giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà.... trẻ vẫn sẽ cần sử dụng đến cơ chế bắt chước và học hỏi để thực hiện được tốt.

2.5. Hoạt động hoặc các động tác cơ thể

Những hoạt động như ngồi, đi, đứng dậy, vịn tay để leo lên... của trẻ dưới một tuổi đều không thể thiếu được việc trẻ bắt chước người lớn. Theo sự phát triển của lứa tuổi, đến từng giai đoạn, trẻ sẽ có nhu cầu vận động và có thể tự phát triển các mốc phát triển vận động, việc bắt chước giúp trẻ thực hiện các hoạt động đó nhanh và sớm thuần thục. Những hoạt động cơ thể khác như lắc lư theo nhạc, nhảy múa theo các bạn hoặc các chương trình trên tivi, các động tác yoga, các động tác tập võ... cũng được trẻ bắt chước bạn bè và người lớn rất nhiều... Về sau, cả khi học các động tác khó, như yoga ở người trưởng thành, múa ba lê điệu nghệ, hoặc các động tác tập thể dục... cũng đều cần đến sự bắt chước

2.6. Các nguồn mà trẻ có thể học hỏi, bắt chước

Trẻ có thể bắt chước từ bạn bè ở lớp, từ bạn bè hàng xóm, từ cô giáo, từ những người thân trong gia đình (đây là đối tượng có ảnh hưởng lớn nhất khi trẻ còn nhỏ tuổi). Ngoài ra, trẻ còn có thể bắt chước khi nhìn thấy các đồ vật: các chú robot đi, cách chiếc xe đang chạy... Hoặc từ các bộ phim trên tivi, youtube: các bài múa trên tivi, cách nói chuyện và từ ngữ của các nhân vật hoạt hình, những hoạt động trong cuộc sống hàng ngày...

 

3. Những cách kích thích sự bắt chước của trẻ tự kỷ

Với trẻ phát triển tốt, trẻ có thể tự tìm thấy những gì mình thích và bắt chước làm theo, mà không cần nhiều sự tác động từ bên ngoài. Nhưng trẻ tự kỉ thường chỉ thực hiện theo một số hoạt động mà trẻ thích, thiếu cơ chế bắt chước, hoặc thiếu nhu cầu bắt chước sẽ khiến trẻ mất đi một kênh học tập. Các bậc phụ huynh có thể kích thích sự bắt chước cho trẻ bằng những cách sau:

  • Chia nhỏ hoạt động để dễ dàng với mức độ hiện tại của trẻ, như việc mặc áo, có thể chia nhỏ ra từng bước (chui đầu, xỏ từng bên tay, kéo áo xuống....) và lặp lại từng bước nhỏ đó để trẻ quan sát và làm theo được
  • Tạo ra những hoạt động vui nhộn phù hợp với sở thích của trẻ: Có thể áp dụng với những trò chơi tương tác xã hội như chi chi chành chành, kéo cưa... với nét mặt/giọng hát/lắc lư cơ thể... để trẻ hứng thú và cùng chơi trò chơi
  • Thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần để trẻ nhớ và thực hiện được
  • Làm mẫu những hoạt động vui nhộn mà trẻ thích và chờ đợi: có thể ví dụ bằng cách hạt một giai đoạn quen thuộc và dừng lại để chờ đợi trẻ hát tiếp
  • Người lớn chủ động bắt chước các hoạt động mà trẻ đang chơi và chờ đợi trẻ bắt chước hoạt động chơi
  • Ngắt nhịp chơi giữa chừng – cụ thể là việc dừng lại khi đang chơi, hoặc thay đổi cường độ để tạo sự thích thú cho trẻ, có thể lấy ví dụ về việc chơi chi chi chành chành, người lớn có thể gõ tay nhanh, chuyển sang chậm dần rồi dừng lại, và chờ đợi trẻ thực hiện các bước tiếp theo.

4. Một số điều cần lưu ý trong quá trình học hỏi, bắt chước của trẻ

Quá trình bắt chước có thể diễn ra có ý thức hoặc vô thức. Bắt chước có ý thức thường diễn ra trong quá trình học tập, có người hướng dẫn và có sự chú ý của trẻ. Nhưng nhiều khi, trẻ nhìn hành động của người khác và vô tình lặp lại – và không ý thức được việc đó – nên có thể có cả những hành vi không tốt: vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, nói bậy, cãi nhau lớn tiếng, đánh người khác... Việc này trẻ có thể học tập bạn bè hoặc chính người thân trong gia đình. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý quan sát trẻ, để có thể điều chỉnh khi trẻ có hành vi không phù hợp. Hoặc tự điều chỉnh các hành vi của mình để không ảnh hưởng đến trẻ.

Việc xem tivi, điện thoại hoặc các chương trình trên máy tính, có mặt tích cực là giúp trẻ tìm hiểu được cách sống, cách nói chuyện, cách chơi từ nhiều nguồn khác nhau mà trên thực tế không thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chi tiết khiến trẻ lầm tưởng và thực hiện sai dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ, đã từng có trường hợp trẻ xem cảnh buộc dây vào cổ ở trên tivi, hoặc cảnh bay trên ban công và cũng thử thực hiện, dẫn đến những tình huống không may xảy ra. Nên luôn cần có sự giám sát khi trẻ xem và bắt chước thực hiện các hoạt động này.

Bắt chước là cơ chế bản năng của mỗi con người, diễn ra mạnh mẽ nhất ở trẻ trong giai đoạn dưới 3 tuổi, nên các bậc phụ huynh luôn cần quan sát và tạo môi trường tích cực và tạo điều kiện để trẻ có thể khám phá và hoạt động một cách phù hợp nhất.

Viết bình luận của bạn