Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?
Bé sơ sinh bị táo bón khiến cha mẹ lo lắng, tuy nhiên, đây là triệu chứng thường gặp ở cả trẻ bú mẹ và bú sữa công thức. Ngoài việc điều trị táo bón ở trẻ thì chế độ dinh dưỡng cho mẹ cũng rất quan trọng.
1. Bé sơ sinh bị táo bón
Ở trẻ sơ sinh nếu bú sưã mẹoàn toàn thì phân của trẻ thường lỏng hoặc sệt, có màu vàng, trong phân có bọt hoặc có lấm tấm hạt trắng như hoa cà, hoa cải. Trẻ có thể đi nhiều lần trong ngày, thỉnh thoảng vừa bú vừa đi ngoài, tuy nhiên trẻ không có triệu chứng đau bụng, lên cân và sinh hoạt bình thường. Ở trẻ sơ sinh bú sữa công thức, phân thường đặc hơn, số lần đại tiện cũng ít hơn do sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa công thức.
Bé sơ sinh bị táo bón là tình trạng trẻ ít đại tiện, nhiều ngày (trên 3 ngày) không đi ngoài, phân thường khô, cứng, lúc đại tiện phải rặn mới đi được. Nguyên nhân chủ yếu gây táo bón ở trẻ sơ sinh thường là do trẻ bú ít, bú không đủ lượng sữa, dẫn đến cơ thể bị thiếu nước.
2. Trẻ sơ sinh bị táo bón mẹ nên ăn gì?
Ở trẻ bú mẹ hoàn toàn, để khắc phục tình trạng bé sơ sinh bị táo bón, mẹ cần lưu ý chế độ ăn như sau:
- Tăng cường rau củ, trái cây để bổ sung chất xơ bài tiết qua sữa mẹ cho trẻ bú.
- Uống nhiều nước, nước trái cây, sữa. Tổng lượng nước mẹ cần uống trong ngày là khoảng 2 - 3 lít bao gồm cả nước, sữa và nước trái cây để đảm bảo cung cấp đủ sữa cho trẻ bú.
- Nếu mẹ cũng bị táo bón, cần bổ sung nước bưởi, hoặc hạt chia để khắc phục chứng táo bón, đồng thời tăng lượng chất xơ trong sữa mẹ cho trẻ.
3. Trẻ bị táo bón phải làm sao?
- Sữa mẹ dễ tiêu hóa và ít xác, nếu trẻ hấp thụ tốt có thể chậm đi ngoài, 5 - 6 ngày mới đại tiện một lần. Trong trường hợp này, nếu phân của trẻ vẫn mềm, không khô, cứng, trẻ không quấy khóc, khó chịu thì mẹ nên xoa bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ nhiều lần trong ngày, kết hợp động tác đạp xe với chân của trẻ, thực hiện lúc đói để kích thích nhu động ruột của trẻ.
- Nếu bé sơ sinh bị táo bón do bú ít sữa, mẹ cần tăng cường số lần cho trẻ bú (bú 1 - 2 giờ/lần) để tăng lượng sữa, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ sữa, đủ nước, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Nếu mẹ ít sữa, trẻ cần được bú nhiều hơn, bú khoảng 12 - 15 lần/ngày.
- Nếu trẻ bú sữa công thức và bị táo bón, cha mẹ cần lưu ý cách pha sữa, nên pha theo đúng công thức hướng dẫn, tránh pha quá đặc, để trẻ có thể hấp thu sữa tốt nhất.
Tuy nhiên, để chữa táo bón cho trẻ, cha mẹ lưu ý không nên bơm hậu môn của trẻ thường xuyên. Ngoài ra, nếu thực hiện những cách nêu trên, bé sơ sinh bị táo bón kèm theo các triệu chứng như chướng bụng, ọc sữa, khó chịu, hay quấy khóc thì cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ.
Để tránh tình trạng bé sơ sinh bị táo bón, mẹ nên ăn nhiều trái cây, rau củ, như hạt chia, bưởi,... đồng thời đảm bảo uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày.