Thế nào là nghẹt mũi sinh lý ở trẻ sơ sinh?
Nghẹt mũi sinh lý rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh do cấu trúc lỗ mũi của trẻ còn nhỏ hẹp. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm được cách chăm sóc cũng như vệ sinh hàng ngày với trẻ mắc chứng nghẹt mũi sinh lý.
1. Nghẹt mũi sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì?
Nghẹt mũi sinh lý là tình trạng mũi bị tịt do dịch nhầy ứ đọng. Hiện tượng này xảy ra là do lỗ mũi của trẻ còn nhỏ, chỉ cần một ít lượng vảy mũi hoặc dịch mũi đọng lại sẽ gây cản trở lưu thông, dẫn đến khó thở, biểu hiện bằng tiếng khò khè.
Tuy nhiên, nghẹt mũi sinh lý không ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ. Theo đó, trẻ vẫn tăng trưởng cân nặng, chiều cao tương ứng với mức tiêu chuẩn như những đứa trẻ bình thường khác. Các hoạt động hàng ngày của trẻ như bú mẹ, vui chơi, tập đi, tập nói, v.v vẫn diễn ra bình thường. Trẻ cũng không có biểu hiện kèm theo khác như ho, sổ mũi, sốt.
Tình trạng nghẹt mũi tăng lên khi trẻ ở tư thế nằm và giảm xuống khi trẻ ở tư thế đứng. Trẻ bị nghẹt mũi nhiều có thể có thở bằng miệng. Khi bú mẹ, miệng trẻ đang bú, lúc này trẻ có thể bị khó thở. Nghẹt mũi sinh lý vào ban đêm biểu hiện như sau: Ở giai đoạn đầu, trẻ còn thở hơi nhanh, nghe thấy âm thanh nhỏ do luồng không khí đi qua khoảng hẹp chứa dịch nhầy. Sau đó, khi trẻ đã ngủ sâu, hơi thở chậm hơn, luồng khí lưu thông êm ái hơn. Lúc này, nếu còn tắc nghẽn, tiếng thở sẽ giống tiếng ngáy hoặc tiếng rít.
2. Tại sao trẻ bị nghẹt mũi sinh lý?
Nghẹt mũi sinh lý thường xảy ra trong điều kiện thời tiết khô hanh, đặc biệt là vào mùa đông, hoặc vào mùa hè khi có bật điều hòa. Trẻ không được giữ ấm đúng cách (đeo khăn ấm, tắm bằng nước ấm, mặc quần áo đủ ấm, v.v) có thể dẫn nghẹt mũi. Tuy nhiên, nhiều gia đình sử dụng điều hòa để giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết, điều này có thể gây giảm độ ẩm không khí trong nhà, gây khô. Đặc biệt, khi trẻ ngồi ngay dưới điều hòa, nghẹt mũi xảy ra là hiện tượng dễ hiểu.
Ngoài ra, nếu các bậc cha mẹ không chú ý vệ sinh sạch sẽ mũi cho trẻ cũng khiến chúng bị nghẹt mũi sinh lý. Phụ huynh không lau mũi bằng khăn ấm thường xuyên cho trẻ vào sáng sớm và buổi tối làm dịch nhầy ứ đọng dẫn đến nghẹt mũi.
3. Phải làm sao khi trẻ bị nghẹt mũi sinh lý?
Trẻ bị nghẹt mũi cần được vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước muối sinh ly, đặc biệt là thời điểm trước khi đi ngủ và sáng sớm, khi mũi sung huyết nhiều hơn. Nếu trẻ đã được vệ sinh mũi sạch sẽ mà vẫn bị nghẹt mũi thì thực hiện cách khác là thay đổi tư thế ngủ, cho trẻ nằm đầu và vai cao hơn thân mình. Nếu trẻ khó thở khi bú mẹ thì có thể vắt sữa rồi đút cho trẻ uống bằng muỗng.
Trẻ bị nghẹt mũi kéo dài có thể để lại nhiều biến chứng nếu như không được thăm khám và điều trị sớm. Nếu các phương pháp chăm sóc trẻ bị nghẹt mũi tại nhà không thuyên giảm thì các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, kiểm soát những biến chứng bệnh đường hô hấp có thể xảy ra.
Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.