Những năm tháng đầu đời của trẻ khi hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng kém sẽ rất dễ mắc các vấn đề ở đường hô hấp Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tình trạng trên và cách điều trị, khắc phục nhé.
Những năm tháng đầu đời của trẻ khi hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng kém sẽ rất dễ mắc các vấn đề ở đường hô hấp. Đặc biệt là những lúc thời tiết thất thường khiến trẻ sơ sinh bị ho có đờm, ho dai dẳng theo cơn. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tình trạng trên và cách điều trị, khắc phục nhé.
1. Bị ho có đờm là gì, nguyên nhân do đâu
Ho là một phản xạ nhằm tống đẩy những vật vướng trong cổ họng ra ngoài, hay khi có sự tiếp xúc của virus, vi khuẩn trong đường thở. Khi trẻ sơ sinh bị bệnh liên quan đến đường hô hấp, ho giúp cho đường thở được thông thoáng, tống xuất được đờm ra ngoài. Có 2 kiểu ho chủ yếu đó là :
-
Ho khan: là khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng, bị ho do viêm thanh quản, khí quản phản ứng lại dưới sự thay đổi nhiệt độ gây ra tiếng ho khan.
-
Ho có đờm: trẻ sơ sinh bị ho có đờm màu trắng, hoặc xanh, đờm thường đặc và nhầy.
Khác với ho thông thường, trẻ sơ sinh bị ho có đờm rất khó chịu, khiến bé thường xuyên quấy khóc, nghẹt mũi, khó thở, gây biếng ăn, lười bú, ăn vào nôn trớ.
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm mũi trắng hoặc xanh
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho có đờm
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho có đờm, cụ thể:
-
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm do cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản
-
Do thời điểm giao mùa, nhất là khi trời chuyển sang lạnh cơ thể trẻ chưa thích nghi kịp.
-
Cơ thể trẻ bị nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp, các loại bệnh do virus như: sởi, thủy đậu, ho gà,...
-
Do ăn uống các loại đồ lạnh làm cho cổ họng bị viêm đỏ gây ho.
2. Trẻ sơ sinh bị ho có đờm là biểu hiện của bệnh gì
-
Khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm với tần suất dày, liên tục thì đây chính là biểu hiệu của viêm đường hô hấp, tùy theo từng trường hợp bệnh lý mà các cơn ho có thể đi kèm theo dịch nhầy trắng, xanh hay vàng. Khi dịch chuyển sang màu xanh là trẻ đã bị viêm nhiễm cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám.
-
Trẻ có các biểu hiện như ho nhiều đờm, khó thở, bỏ bú thì có thể là nguyên nhân của viêm phế quản, viêm tiểu phế quản (viêm phế quản cấp hoặc viêm phế quản co thắt), nguy hiểm hơn là viêm phổi. Những bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.
-
Khi trẻ bị ho kéo dài, tái diễn nhiều lần thì có thể do trẻ bị dị ứng bẩm sinh với môi trường xấu bên ngoài như khói bụi, lông của động, thực vật, hay có dị vật ở đường thở, bị dị tật bẩm sinh ở phế quản, hoặc nguy hiểm hơn là bệnh hen suyễn.
-
Trẻ bị hen phế quản: bé bị ho dai dẳng, ho có đờm đặc, ho kéo dài về đêm, khi ho kèm theo những tiếng rít.
-
Hoặc những trẻ có bệnh lý như ho nhiều mỗi khi nằm xuống hay khi vừa ăn xong thì đó có thể là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày kèm thêm các triệu chứng như nôn mửa, ợ chua.
Trẻ bị ho có đờm có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý
Những bệnh lý này khi được phát hiện kịp thời thường không quá nguy hiểm, nhưng nếu để lâu sẽ gây ra những tổn hại cho hệ hô hấp. Do bệnh thường biến chứng rất nhanh, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh khi hệ miễn dịch còn non kém. Vì vậy, cần được chữa trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra, không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện ở trẻ.
3. Cách trị ho có đờm cho trẻ sơ sinh
Dưới đây là một số cách điều trị khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm cha mẹ có thể áp dụng:
Vệ sinh đường thở cho trẻ bằng nước muối sinh lý
Vệ sinh đường thở cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi giúp tống chất nhầy và giảm sưng đỏ ở đường hô hấp, do còn bé chưa biết cách tự khạc nhổ để tống đờm ra ngoài. Với trẻ sơ sinh bị ho có đờm các mẹ có thể sử dụng dụng cụ hút mũi bằng silicon cho bé.
Vệ sinh đường thở cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý
Thực hiện phương pháp vỗ rung khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm
Sử dụng phương pháp vỗ rung long đờm cho trẻ bằng tay:
Ban đầu khum bàn tay kết hợp gập bàn tay ở chỗ cổ tay lại, các ngón tay sát vào nhau vỗ liên tục lên lưng trẻ hướng từ phổi lên cổ, từ trái sang phải mỗi bên từ 3 - 5 phút. Lưu ý bàn tay chụm lại tạo thành một khoảng không có khe hở để không làm đau bé, vỗ từ dưới lên trên, vỗ tạo cảm giác lồng ngực của bé rung lên theo nhịp, vỗ phát ra tiếng kêu bồm bộp. Đặc biệt không được vỗ vào vị trí dạ dày của bé vì sẽ gây tác động đến xương sống, có thể khiến trẻ bị nôn trớ.
Vỗ rung là phương pháp vật lý được cả bác sĩ và các mẹ tin dùng, giúp thông đờm từ dưới lên miệng. Các mẹ cần lưu ý đến màu sắc đờm xen trắng loãng hay đã chuyển sang xanh vàng và biểu hiện của viêm đường hô hấp để cho bé đi thăm khám ngay.
Cách vỗ rung với mục đích làm long đờm thực hiện ở trẻ sơ sinh khi bị ho
Một số biện pháp khác
-
Vệ sinh cho trẻ khi có nước mũi, ho ra đờm dùng giấy hoặc khăn xô lau sạch cho bé, chú ý vệ sinh để không cho vi khuẩn bám vào bề mặt gây tái lây nhiễm.
-
Chú ý đến chế độ ăn, dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ dưỡng chất, thức ăn là cháo mềm để ấm cho trẻ dễ nuốt, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, không cho trẻ ăn quá no, chia thành nhiều bữa để hạn chế nôn trớ do vướng đờm.
-
Luôn giữ ấm lồng ngực cho trẻ mỗi khi thời tiết trở lạnh, khi cho trẻ ra ngoài
-
Giữ vệ sinh môi trường thoáng mát, hạn chế khói bụi, phấn hoa, lông của động vật.
-
Đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với người hút thuốc, khói thuốc lá rất độc hại, nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
-
Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, uống các loại vitamin tổng hợp, bổ sung đầy đủ canxi và D3 cho bé.
-
Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ đặc biệt các mũi tiêm liên quan đến bệnh đường hô hấp.
-
Lưu ý không nên cho trẻ tự uống thuốc mà phải đi thăm khám và uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu trẻ sơ sinh bị ho có đờm nặng hãy đưa trẻ đến Bệnh viện để được khám chữa bệnh kịp thời.