Nguyên nhân đái rỉ ở trẻ em
Đái rỉ là tình trạng bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi được coi là tình trạng sinh lý bình thường và ít được mọi người quan tâm. Tuy nhiên, khi trẻ đã ở độ tuổi nhận thức được mà vẫn để xảy ra hiện tượng đái rỉ thì điều này thực sự trở thành mối lo ngại cho bố mẹ của trẻ cũng như những người trong gia đình.
Đái rỉ là căn bệnh có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu liên tục, suy thận, hoặc các bệnh liên quan đến thận. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đái rỉ thường gặp trên lâm sàng là đái dầm, niệu quản lạc chỗ và hội chứng bàng quang thần kinh.
1. Đái dầm
Đái dầm là tình trạng đi tiểu không có ý thức vào buổi đêm, thường xảy ra ở những trẻ từ 4-5 tuổi, là lứa tuổi phát triển bình thường và có thể kiểm soát và tự chủ được việc đi tiểu của mình. Đái dầm có thể xảy ra trên 4 đêm trong một tuần, kèm theo bệnh là một số triệu chứng bệnh lý như kích thích ở vùng tầng sinh môn, rối loạn về hành vi,...
Nguyên nhân chính của bệnh đái dầm đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, để giải thích hiện tượng này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số yếu tố liên quan đến bệnh này như: yếu tố di truyền, tâm lý, giấc ngủ, điều hoà nội tiết tố... Phần lớn bệnh đái dầm sẽ tự hết dần khi trẻ lớn lên, và bé gái sẽ hoàn chỉnh được sự kiểm soát về tiểu tiện trước bé trai.
Đái dầm có thể xuất hiện từ nhỏ và kéo dài gọi là đái dầm tiên phát. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đái dầm xuất hiện sau thời gian trẻ nhận thức được và tự điều khiển được hành vi gọi là đái dầm thứ phát.
Đái dầm ở trẻ nhỏ
Điều trị bệnh đái dầm có thể có nhiều cách:
- Điều trị bằng phương pháp tâm lý: Phương pháp này thường được chỉ định cho những trẻ có chấn thương về tâm lý hoặc thần kinh.
- Điều trị bằng phương pháp luyện tập: Tập phản xạ có điều kiện với việc đi tiểu của trẻ. Với thời gian luyện tập kéo dài, dần dần sẽ làm tăng dung tích cơ năng của bàng quang cùng với thói quen đi tiểu trước khi ngủ sẽ giúp cho trẻ chủ động đi tiểu trong đêm.
- Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc đôi khi hiệu quả không cao mà còn mang lại tác dụng phụ và dễ bị tái phát khi ngưng thuốc. Các loại thuốc thường được sử dụng: thuốc kháng cholin (tác dụng làm tăng dung tích cơ năng của bàng quang), thuốc chống trầm cảm, nội tiết tố chống bài niệu...
2. Niệu quản lạc chỗ
Niệu quản dẫn nước tiểu được lọc từ hai thận xuống rồi đổ vào lòng của bàng quang, ở đây nước tiểu được tích chứa và tống ra ngoài do co thắt ngoài của niệu đạo và co thắt trong của cổ bàng quang. Tuy nhiên, khi niệu quản gắn lạc vào vị trí bất thường, sẽ gây ra hiện tượng rò rỉ nước tiểu.
Ở những bé gái có dò nước tiểu liên tục thường liên quan đến bệnh lý niệu quản lạc chỗ, và xác định nước tiểu bằng thăm khám tầng sinh môn và cơ quan sinh dục ngoài. Còn ở bé trai ít gặp bệnh lý hơn. Nhưng, với bé trai bị niệu quản lạc chỗ thường sẽ dẫn tới hậu quả viêm tinh hoàn - Viêm mào tinh hoàn, viêm nhiễm, chảy mủ ở miệng niệu đạo.
Chẩn đoán niệu quản lạc chỗ thường sử dụng các xét nghiệm như:
- Chụp bàng quang ngược dòng: Đánh giá tình trạng bàng quang, phát hiện trào ngược niệu quản.
- Siêu âm: Phát hiện bệnh lý thận-niệu quản đôi ở bé gái, thận teo nhỏ ở bé trai.
- Soi bàng quang.
- Thận đồ: Xác định chức năng thận.
-
Điều trị niệu quản lạc chỗ chủ yếu là phẫu thuật. Tuy nhiên, với từng trường hợp có thể là phẫu thuật cắt bỏ hay phẫu thuật bảo tồn thận.
3. Hội chứng bàng quang thần kinh
Bàng quang sẽ hoàn thành tốt chức năng chứa đựng và đào thải nước tiểu dưới sự điều khiển phối hợp của thần kinh bao gồm hệ giao cảm, hệ đối giao cảm và hệ thần kinh độc lập. Khi thần kinh bị thương tổn nó sẽ ảnh hưởng đến sự chi phối của thần kinh đến bàng quang và cả chức năng của bàng quang gọi là hội chứng bàng quang thần kinh. Hội chứng này nếu không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng ứ đọng bàng quang và nhiễm trùng đường tiểu tái diễn sẽ gây ra suy giảm chức năng thận, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong sớm.
Nguyên nhân mắc hội chứng bàng quang thần kinh có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải. Bẩm sinh là các nguyên nhân thường gạo là bất sản xương cùng, thoát vị màng tuỷ hoặc hở đường tiếp giáp ống thần kinh. Còn với trường hợp mắc phải nguyên nhân thường gặp là chấn thương tủy sống, viêm nhiễm hoặc do khối u chèn ép như u xơ thần kinh hoặc u vùng cùng cụt.
Phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời
Điều trị hội chứng bàng quang thần kinh chủ yếu là điều trị triệu chứng bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu sử dụng thuốc kháng cholin để làm tăng dung tích bàng quang đồng thời gia tăng sức cản của cổ bàng quang và niệu đạo.
- Thông tiêu sạch theo giờ: Phương pháp này chủ yếu để tránh được ứ đọng và nhiễm trùng.
- Phẫu thuật treo cổ bàng quang lên xương mu.
- Tạo hình tăng dung tích bàng quang.
Đái rỉ là căn bệnh khá nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ có thể gây mất chức năng thận và các biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu có xuất hiện đái rỉ ở trẻ nhỏ cần được thăm khám lâm sàng cẩn thận cũng như các xét nghiệm để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.