Nghiến răng ở trẻ mới biết đi: Nguyên nhân

Trẻ em khi ngủ liên tục cử động miệng kèm theo âm thanh cạch cạch hoặc hai hàm răng cọ vào nhau. Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang nghiến răng. Nguyên nhân nghiến răng ở trẻ mới biết đi là gì?

 

1. Nguyên nhân gây nghiến răng ở trẻ mới biết đi là gì?

Nghiến răng là một tình trạng mà hai hàm răng thường xuyên nghiến vào nhau. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn. Nghiến răng thường xảy ra vào ban đêm, nhưng nó cũng có thể xuất hiện vào ban ngày. Bạn cũng không phải lo lắng quá vì hầu hết các trường hợp đều nhẹ và không cần điều trị. Các triệu chứng của tình trạng nghiến răng bao gồm:

  • Nghiến răng hoặc nghiến chặt hàm
  • Nghe thấy tiếng nghiến răng
  • Răng bị hỏng hoặc mòn
  • Đau hoặc nhức hàm
  • Đau tai
  • Đau nhức đầu gần thái dương

Nghiến răng có thể xảy ra trong suốt cuộc đời vì những lý do khác nhau. Theo Hệ thống Y tế Đại học Michigan, trẻ em có thể bắt đầu nghiến răng lúc 6 tháng hoặc muộn hơn khi răng bắt đầu mọc và khi trẻ được 5 - thời điểm răng vĩnh viễn bắt đầu mọc.

Người lớn có thể nghiến răng do bị căng thẳng hoặc lo lắng. Khi nói đến trẻ mới biết đi, các nguyên nhân thường liên quan nhiều hơn đến việc thử nghiệm những chiếc răng mới của chúng. Mặc dù hầu hết trẻ mới biết đi đều có thói quen này, nhưng có một số trường hợp bạn có thể cần phải tìm kiếm các phương pháp điều trị bổ sung để bảo vệ răng của trẻ.

Theo Tổ chức Nemours, ước tính cứ 10 trẻ thì có 2 đến 3 trẻ nghiến răng. Nghiến răng thường hay xảy ra nhất vào lúc trẻ ngủ, nhưng bạn có thể nhận thấy chúng cũng làm vậy vào ban ngày.

Các bác sĩ nha khoa không phải lúc nào cũng biết lý do khiến trẻ mới biết đi nghiến răng. Một số lý do có thể gây ra hiện tượng này đó là:

  • Răng của trẻ mới biết đi không được thẳng hàng đúng cách.
  • Trẻ mới biết đi nghiến răng như một cách để giảm đau, chẳng hạn như đau tai hoặc khó chịu do mọc răng.
  • Do bệnh bại não
  • Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh

Đối với trẻ lớn hơn, nghiến răng có thể là dấu hiệu của căng thẳng hoặc lo lắng. Đôi khi bạn hoặc bác sĩ cũng có thể không xác định được nguyên nhân chính xác.

nghiến răng ở trẻ mới biết đi

Tật nghiến răng ở trẻ mới biết đi thường vô hại

 

2. Những ảnh hưởng của bệnh nghiến răng ở trẻ em là gì?

Phần lớn, tình trạng nghiến răng không được coi là một thói quen có hại. Đôi khi ảnh hưởng lớn nhất là cha mẹ lo lắng về âm thanh nghiến răng mà bé đang tạo ra.

Đối với những trẻ khác, nghiến răng có thể gây đau hàm. Mặc dù bé có thể không thể nói với bạn rằng đó là nguyên nhân chính xác gây ra sự khó chịu của chúng, nhưng việc thường xuyên cọ xát hàm có thể là một dấu hiệu cho biết điều này.

3. Trẻ nghiến răng, khi nào cần đi khám?

Nếu nghe thấy tiếng trẻ nghiến răng hầu hết các ngày trong tuần, phụ huynh nên đặt lịch hẹn với nha sĩ. Bác sĩ nha khoa sẽ xem xét răng của trẻ để tìm các dấu hiệu bào mòn, chẳng hạn như men răng bị mẻ hoặc răng có vẻ bị vỡ, nứt. Nha sĩ cũng sẽ kiểm tra sự lệch lạc của răng, điều này có thể cho biết lý do tại sao trẻ nghiến răng.

Mặc dù tật nghiến răng ở trẻ mới biết đi thường vô hại, nhưng hãy luôn đặt lịch hẹn với nha sĩ nếu bạn lo lắng về điều này.

nghiến răng ở trẻ mới biết đi

Phương pháp điều trị điển hình cho tình trạng nghiến răng ở trẻ mới biết đi là không có phương pháp điều trị nào cả

 

4. Các phương pháp điều trị nghiến răng ở trẻ mới biết đi

Ở trẻ lớn hơn, tật nghiến răng khiến trẻ bị đau nhức đáng kể hoặc răng lệch lạc thường được điều trị bằng dụng cụ bảo vệ răng ban đêm như: máng chống nghến răng. Đây là những miếng nhựa dẻo, mỏng, được phía trên răng để bảo vệ răng khỏi bị hư hại. Tuy nhiên, răng của trẻ mới biết đi thường xuyên thay đổi, điều này ảnh hưởng đến khả năng ăn khớp của bé.

Một "phương pháp điều trị" mà bạn không nên sử dụng là đánh thức con khi nghe thấy tiếng nghiến răng. Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và có thể ảnh hưởng đến khả năng có một đêm ngon giấc của trẻ.

Phương pháp điều trị điển hình cho tình trạng nghiến răng ở trẻ mới biết đi là không có phương pháp điều trị nào cả. Nếu nghi ngờ căng thẳng hoặc lo lắng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn, bạn có thể cố gắng thiết lập thói quen tốt cho bé như: đọc sách trước khi đi ngủ cho con, ôm bé vào lòng... để giúp bé cảm thấy thoải mái trước khi chìm vào giấc ngủ.

Viết bình luận của bạn