Làm thế nào để dạy cách tương tác khi trẻ gặp người lạ?

Sự an toàn của trẻ nhỏ khi giao tiếp, gặp gỡ người lạ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều phụ huynh. Mặc dù lo lắng cho sự an toàn của con nhưng không phải cha mẹ nào cũng nắm được cách truyền tải thông tin phù hợp, dễ hiểu, dễ nhớ cho trẻ. Vậy trẻ gặp người lạ phải làm gì? Các bậc cha mẹ cùng tìm hiểu hướng dẫn chi tiết dưới đây nhé.

 

1. Dạy kỹ năng cho trẻ em tùy theo từng độ tuổi

Những gì bạn dạy cho trẻ về việc tương tác với người lạ sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Ví dụ, trẻ mẫu giáo chưa biết người lạ là gì và cũng không thể phân biệt ai an toàn và ai không. Do vậy bạn có thể nói cho trẻ những kĩ năng an toàn cơ bản, nhưng thường thì chúng vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc nói chuyện và đối phó với người lạ.

Đến tầm 4 tuổi, nhiều trẻ đã dần ý thức được về người lạ và có thể bắt đầu học các quy tắc an toàn. Tuy nhiên chúng vẫn còn quá nhỏ để có thể tự mình xoay xở ở nơi công cộng, cũng như chưa có khả năng đánh giá và quản lý sự bốc đồng.

Trẻ em ở độ tuổi đi học có thể đã được thầy cô, cha mẹ nhắc rằng một số người lạ có thể nguy hiểm, nhưng chúng vẫn có thể cho rằng người lớn trông “có vẻ tốt” thì cũng sẽ an toàn.

So với những trẻ nhỏ hơn, trẻ em từ 5-8 tuổi thường ít được giám sát hơn ở nơi công cộng. Chúng có thể thường xuyên đi bộ đến trường, đi đá bóng, đạp xe với nhóm bạn, có quyền truy cập Internet và đôi khi ở nhà một mình trong thời gian ngắn. Đây là lý do tại sao nhóm tuổi này cần được hướng dẫn rõ ràng kỹ năng cho trẻ em khi tương tác với người lạ.

trẻ gặp người lạ

Khi trẻ lên 4, cha mẹ có thể cùng con thảo luận về tình huống trẻ gặp người lạ

 

2. Nên đề cập về người lạ với trẻ như thế nào?

2.1. Đưa ra các quy tắc an toàn chung

Để bắt đầu cuộc trò chuyện về người lạ với trẻ 2-3 tuổi, hãy đưa ra các quy tắc về an toàn chung. Ví dụ khi đi ra ngoài, hãy yêu cầu trẻ luôn ở gần và trong tầm mắt của người lớn. Ngoài ra, trẻ em ở độ tuổi này cũng nên được biết về cách gọi các bộ phận sinh dục và lưu ý không được cho ai chạm vào đó.

2.2. Thảo luận về khái niệm người lạ

Khi trẻ lên 4, cha mẹ có thể cùng con thảo luận về khái niệm người lạ thông qua câu hỏi: “Con có biết người lạ là gì không?”. Nếu trẻ không biết, hãy đưa ra ví dụ người lạ là bất kỳ ai mà trẻ không biết. Để tránh làm con bạn sợ hãi một cách không cần thiết, hãy nhấn mạnh rằng người lạ không nhất thiết phải là người tốt hay xấu - chỉ là người mà trẻ không biết.

2.3. Chỉ ra những người lớn mà trẻ có thể tin tưởng

Sau đó, hãy chỉ ra những người lớn mà trẻ có thể tin tưởng. Ngoài cha và mẹ, hãy đưa ra ví dụ về những người lớn mà trẻ có thể tìm đến để được giúp đỡ, ví dụ như một phụ huynh, một giáo viên, một cố vấn học đường đáng tin cậy... Hãy chỉ ra những nhân vật có thẩm quyền như nhân viên bảo vệ, nhân viên cửa hàng..., để con bạn có thể xác định những người lạ có thể giúp đỡ. Cách xác định rất đơn giản, thông qua áo đồng phục, bảng tên hay vị trí ngồi làm việc.

Để giúp trẻ dễ hình dung hơn, cha mẹ nên điểm qua những điều trẻ nên và không nên làm khi gặp người lạ bằng các ví dụ, minh họa sinh động và dễ hiểu.

trẻ gặp người lạ

Cần hướng dẫn trẻ đề phòng những người lạ

 

3. Hướng dẫn từng bước trẻ gặp người lạ phải làm gì?

3.1. Xử lý khi trẻ đi lạc, gặp người lạ

Khi trẻ đi lạc, cha mẹ có thể bày cho trẻ cách xử lý bằng hướng dẫn trực quan như sau: “Nếu con lạc mẹ trong cửa hàng tạp hóa, hãy đến nơi người ta trả tiền cho mọi thứ và nói với họ rằng con bị lạc. Hãy nói tên của con và đừng di chuyển khỏi chỗ đó cho đến khi bố mẹ đến đón con”.

Trẻ ở độ tuổi đi học cũng nên biết rằng, mặc dù có thể chào một người lạ khi có cha mẹ ở gần nhưng trẻ không bắt buộc phải nói chuyện với họ, và cũng không nên nếu phụ huynh không có ở đó. Hoàn toàn ổn khi một đứa trẻ nói: “Con không được phép nói chuyện với người lạ, và cũng không muốn đi đâu với ai”.

Nếu đang ngồi chơi một mình tự dựng trẻ gặp người lạ có ý muốn tiếp cận, tốt nhất trẻ nên tránh xa họ, chạy vào trong nhà (hoặc trường) và nhanh chóng tìm đến người đang chăm sóc mình (cha mẹ, ông bà, thầy cô...). Nếu đối phương vẫn cố tình chạm vào trẻ, nên dạy trẻ hét lên để tìm kiếm sự chú ý và trợ giúp. (Ví dụ: "Giúp với! Đây không phải là bố của cháu!")

3.2. Đề phòng những người lạ trên Internet

Trong bối cảnh Internet phổ biến như ngày nay, việc trẻ gặp người lạ trên không gian mạng cũng không hề hiếm. Do vậy cha mẹ cũng cần đưa ra quy tắc những việc nên và không nên làm trên Internet:

  • Trẻ em ở độ tuổi này tốt nhất không nên tham gia mạng xã hội hoặc các diễn đàn, nhóm trò chuyện. Nếu đã lỡ cho trẻ sử dụng, hãy đặt máy tính và điện thoại mà trẻ hay dùng ở khu vực chung để bạn có thể theo dõi những gì con đang làm.
  • Để hạn chế nguy cơ bị những “kẻ săn mồi trên mạng” nhắm tới, hãy yêu cầu trẻ không bao giờ cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, trả lời câu hỏi hoặc điền vào các biểu mẫu trực tuyến nào.

3.3. Bảo vệ bản thân khi dùng nhà vệ sinh công cộng

Trong quá trình sinh hoạt, trẻ không thể tránh khỏi việc sử dụng nhà vệ sinh hoặc phòng tắm công cộng. Ở tầm 6 tuổi, phần lớn trẻ em đã có thể tự sử dụng nhà vệ sinh một mình. Tuy nhiên cha mẹ vẫn nên cảnh giác đứng ngoài cửa và bảo trẻ gọi nếu cần trợ giúp. Nhắc trẻ từ chối sự giúp đỡ từ bất kỳ người lạ nào bằng cách nói: “Không, cảm ơn. Cháu sẽ tự làm” hoặc “Không, cháu cảm ơn. Mẹ cháu có thể giúp cháu”.

3.4. Bảo vệ bản thân khi ở nhà một mình

Với những trẻ lớn hơn buộc phải ở nhà một mình, hãy dạy trẻ rằng nếu có người đến gọi cửa, trẻ không nên mở mà nên nói: “Mẹ cháu bận không thể ra mở cửa ngay bây giờ”. Nếu có người đến giao hàng, trẻ có thể bảo họ cứ để ngay trước cửa hoặc quay lại vào lúc khác.

3.5. Những mẹo khác dành cho cha mẹ

Ngoài ra nếu có thể, cha mẹ cũng nên sắp xếp thời gian để hướng dẫn trẻ nhỏ cách nhớ địa chỉ nhà. Bắt đầu bằng việc dạy trẻ nhớ tên đầy đủ của mình, sau đó là họ tên bố mẹ, địa chỉ và số điện thoại... Thi thoảng hãy bất ngờ đố trẻ về địa chỉ và số điện thoại để kiểm tra lại độ chính xác của thông tin.

Nếu trẻ đủ lớn để đạp xe hoặc đi bộ trong khu phố, hãy cùng con trao đổi trước về ranh giới và các điểm mốc giới hạn, cũng như những nơi an toàn mà con có thể nhờ trợ giúp nếu cần.

Các câu chuyện và tình huống diễn tập trên nhằm mục đích chính là dạy kỹ năng cho trẻ em chứ không phải để khiến trẻ sợ. Do vậy hãy thường xuyên sử dụng những câu hỏi mở như “Chuyện gì xảy ra nếu...?”, “Con sẽ làm gì khi...?” với thái độ tích cực để trẻ có cơ hội tập xử lý những tình huống khó khăn mà không sợ hãi. Nếu có dịp, hãy nhấn mạnh lại những thông điệp vào những thời điểm thích hợp, ví dụ trong kỳ nghỉ, trước những chuyến đi đến các môi trường công cộng mà trẻ có thể phải ở xung quanh nhiều người lạ.

Viết bình luận của bạn