Kỷ luật trẻ mới biết đi: Chiến thuật hiệu quả và phù hợp
Trẻ quấy khóc, giận dữ hoặc làm nũng khiến cha mẹ cảm thấy vô cùng bận lòng, thậm chí có thể “sôi máu” phạt và trách mắng con. Để kiểm soát được tình trạng này cũng như hướng trẻ đến những hành vi tích cực, bạn có thể áp dụng một số chiến thuật hiệu quả dưới đây.
1. Luôn kiên định
Khi các bậc phụ huynh lập ra một trật tự và thói quen nhất định cho trẻ sẽ giúp bé trở nên độc lập hơn và biết cách hành xử đúng đắn hơn ngay từ khi còn bé, từ đó loại bỏ những thói quen hay hành vi xấu của trẻ.
Hệ thống kỷ luật cho con nên bắt đầu ngay từ lịch trình sinh hoạt hàng ngày. Điều này có nghĩa là thời gian ăn, nghỉ trưa và giờ đi ngủ phải nhất quán với nhau, đồng thời quy định rõ quỹ thời gian mà trẻ sẽ dành cho các hoạt động vui chơi giải trí. Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong một tình huống đặc biệt, bạn nên thông báo với trẻ ngay từ trước để tránh trẻ bị bất ngờ và không kịp thích ứng.
Khi đã lập ra một lịch trình mang tính kỷ luật cho trẻ, điều quan trọng mà cha mẹ phải làm là luôn giữ vững cũng như kiên định tuân theo lịch trình đó, hạn chế thấp nhất sự dịch chuyển hay thay đổi. Sự kiên định này cũng đặc biệt cần thiết ngay cả khi trẻ ở nơi công cộng. Chẳng hạn như con quấy khóc khi đòi một món đồ chơi nào đó tại chốn đông người, thay vì đáp ứng ngay cho trẻ, bạn nên chịu đựng điều đó để cho trẻ hạn chế được những đòi hỏi hay mong muốn của mình.
Tính nhất quán đặc biệt quan trọng khi chúng ta đề cập đến sự kỷ luật. Đặc biệt, nếu một cặp vợ chồng cùng “đồng tâm hiệp lực” nuôi dạy con trẻ thì sự nhất quán được thể hiện trước mặt các con là điều vô cùng cần thiết. Sự nhất quán này cũng cần được thể hiện ngay trong các hình phạt khi trẻ có những hành động không đúng. Tuyệt đối không nên chia thành hai phe: một người thì cứng rắn, trong khi đó người kia lại hết mực nuông chiều và bênh vực con cái khi chúng làm sai. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ nảy sinh ra các vấn đề trong mối quan hệ giữa bố mẹ với con cái, và giữa bạn với nửa kia của mình.
2. Tránh các tình huống căng thẳng
Khi con bạn bước sang giai đoạn chập chững biết đi, bạn đã có một khoảng thời gian đủ để có thể hiểu những thay đổi về thể chất cũng như tâm tư của bé. Các tình huống gây khủng hoảng tiềm ẩn có thể xảy ra do trẻ đói, buồn ngủ hoặc bị thay đổi địa điểm một cách nhanh chóng. Để tránh hoặc hạn chế gây căng thẳng về mặt tâm lý cho trẻ, bạn hãy lập trước kế hoạch một chút.
Bạn nên cố gắng đảm bảo cho trẻ ở nhà đúng giờ nghỉ trưa, giờ đi ngủ và giờ ăn. Nếu bạn bắt buộc phải ra ngoài, hãy luôn dự trữ sẵn thức ăn để đề phòng con bị đói bất ngờ. Bất kỳ tình huống nào đi chăng nữa thì bạn vẫn nên chuẩn bị trước để không phải vội vàng, đặc biệt khi bạn cần đưa con đến trường mầm non và bản thân phải đi làm vào buổi sáng.
Bạn nên cho phép con tham gia vào quá trình thực hiện những kế hoạch mang tính kỷ luật này. Ví dụ như, đặt đồng hồ trong vòng 5 phút và nói với con rằng, khi chuông đổ cũng là lúc con cần phải đi tắm hoặc mặc quần áo. Ngoài ra, bạn nên cho con tự lựa chọn trang phục khi đến trường để tăng tính tự lập cho trẻ.
3.Thấu hiểu những suy nghĩ của trẻ
Trẻ mới biết đi không phải là một người lớn “tí hon”. Chúng thường gặp phải những khó khăn khi làm theo chỉ dẫn và cư xử phù hợp như người lớn suy nghĩ. Vì vậy, khi đặt mình vào góc độ của một đứa trẻ mới biết đi, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với con hơn, từ đó hạn chế được các tình huống ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của trẻ.
Dạy dỗ trẻ nhưng không nhất thiết là bắt chúng tuân theo suy nghĩ hay cảm xúc của người lớn một cách hoàn toàn. Tốt hơn hết, bạn nên tập làm quen với việc xác thực cảm xúc của trẻ trong những tình huống nhất định. Bạn phải đặt ra giới hạn, nhưng hãy thực hiện theo cách tôn trọng trẻ và bạn tận dụng nó như một cơ hội để giúp chúng học cách đối phó với cuộc sống, bao gồm cả sự thất vọng hay những quy tắc được đặt ra.
Việc đưa ra các lựa chọn hay quyết định cũng cho thấy rằng bạn đang tôn trọng trẻ và hiểu được cảm xúc của chúng. Chẳng hạn như, khi ra ngoài bạn có thể hỏi con xem liệu con có muốn mang theo một cuốn sách yêu thích hay đồ ăn nhẹ hay không. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng có thể kiểm soát được tình hình trong khi bạn vẫn là người quản lý và dõi theo con.
4. Đánh lạc hướng trẻ
Bản năng của cha mẹ là lập tức đưa con ra khỏi bất kỳ vật thể có mối nguy hiểm tiềm tàng nào mà chúng đang lao tới. Nhưng điều này có thể gây ra cơn giận dữ ở trẻ vì bạn đang ngăn cản chúng có được thứ mà mình mong muốn. Trong trường hợp này, bạn nên đánh lạc hướng hoặc chuyển hướng trẻ. Bạn có thể gọi tên con để thu hút sự chú ý của chúng. Sau khi trẻ đã rời khỏi thứ tiềm ẩn mối nguy hiểm, bạn có thể đưa trẻ đến một thứ khác an toàn hơn và vẫn đảm bảo trẻ thích thú.
Điều này cũng mang lại hiệu quả trước khi cơn giận dữ của trẻ bắt đầu, khiến chúng phân tâm khỏi những gì làm cho chúng cảm thấy khó chịu ngay từ đầu.
5. Để trẻ trong thời gian “chờ”
Thời gian chờ hoặc tạm dừng là một trong những nền tảng của kỷ luật trẻ em, nhưng chúng không phải là cách tiếp cận tốt nhất cho giai đoạn trẻ mới biết đi. Trong một số tình huống tiêu cực, phương pháp này có thể khiến trẻ cư xử xấu đi thay vì tốt lên.
Nếu con bạn vẫn tiếp tục những hành vi không tốt của chúng thì bạn có thể để trẻ trong thời gian “chờ”. Bạn nên chọn một nơi yên tĩnh để đợi trẻ bình tĩnh trở lại. Thời gian chờ có thể kéo dài khoảng một phút đối với mỗi năm tuổi (ví dụ: trẻ 2 tuổi nên chờ trong 2 phút và trẻ 3 tuổi là 3 phút). Bạn cũng đừng nên phản hồi lại bất kỳ điều gì mà trẻ nói hoặc làm cho đến khi hết thời gian chờ. Khi con đã tĩnh tâm trở lại, hãy giải thích cho trẻ biết lý do tại sao bạn lại làm như vậy và vì sao hành vi đó của con là không đúng.
Tuyệt đối không đánh hoặc sử dụng các phương pháp kiểm soát bằng đòn roi để kỷ luật trẻ. Những phương pháp này chỉ khiến con bị tổn thương và làm tăng thêm hành vi tiêu cực ở trẻ. Thay vào đó, hãy cố gắng hướng con sửa đổi những hành vi xấu, và dành thời gian để khen ngợi những hành vi tốt từ con. Khi bạn nói với trẻ rằng chúng đã làm điều gì đó tốt, khả năng cao con sẽ muốn thực hiện lại điều đó.
6. Giữ bình tĩnh
Chắc hẳn bạn đã từng “sôi máu” lên khi đứng nhìn con nổi cơn tam bành. Nhưng sự mất kiểm soát sẽ nhanh chóng làm tình hình vốn đã căng thẳng trở nên khó xử lý hơn. Nếu bạn trút sự tức giận của mình lên trẻ, điều đó càng khiến bạn cảm thấy tồi tệ và tội lỗi hơn, đồng thời ảnh hưởng không tốt cho con bạn.
Đôi khi chiến thuật tốt nhất là phớt lờ hoàn toàn hành vi đó của con. Chẳng hạn như hành động la hét đòi đồ của trẻ khi bị phớt lờ, cuối cùng chúng sẽ cảm thấy mệt mỏi với việc la hét.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.