Khi nào hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện tốt?
Trẻ hay ốm vào thời gian ăn dặm từ 6 tháng đến 3 tuổi là tình trạng nhiều bố mẹ thường gặp nhưng chưa tìm ra nguyên nhân? Liệu đó có phải là do hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu? Khi nào thì hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện?
1. Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hệ thống bảo vệ tự nhiên của trẻ trước các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,... và các yếu tố môi trường độc hại khác. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp trẻ phát triển tối ưu trong những năm tháng đầu đời cũng như tác động lâu dài đến sức khỏe của trẻ.
Không giống như hệ thống thần kinh, hệ miễn dịch của cơ thể phức tạp hơn và nằm ở khắp các nơi trong người như Amidan cổ họng, hệ thống tiêu hóa, tủy xương, da, hạch bạch huyết, lá lách, niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục.
Việc phân bố rải rác ở nhiều vị trí giúp hệ miễn dịch hình thành và lưu trữ các tế bào, cũng như duy trì hoạt động liên tục nhằm giữ cho toàn bộ cơ thể luôn khỏe mạnh.
Lúc mới sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ rất tốt nhờ hệ thống kháng thể nhận được từ khi còn trong bào thai và qua sữa mẹ. Tuy nhiên “miễn dịch thụ động” không tạo được sức đề kháng lâu dài vì sau đó các kháng thể bắt đầu giảm mạnh trong 6 tháng tiếp theo. Vì vậy trẻ cần được bú mẹ ngay và bú mẹ hoàn toàn cho đến 6 tháng tuổi vì đây là nguồn cung cấp kháng thể thụ động để duy trì khả năng miễn dịch.
Từ 6 tháng tuổi trở đi, các kháng thể IgG mẹ truyền sang trẻ đã giảm đi rất nhiều, lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện mà phải đến 3-4 tuổi thì hệ thống này mới sản xuất đầy đủ các kháng thể giúp chống lại các bệnh lý nhiễm trùng. Khoảng thời gian giao thoa giữa hai hệ thống miễn dịch thụ động và miễn dịch chủ động trong giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi chính là khoảng thời gian trẻ trở nên nhạy cảm đối với các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp hay dị ứng.
2. Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ?
Ở trẻ em, khoảng thời gian 5 năm đầu tiên (đặc biệt là 2 năm tính từ sau khi trẻ chào đời) là khoảng thời gian vàng để tăng cường hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, trẻ sẽ ít mắc các bệnh nhiễm trùng hơn, và nếu mắc bệnh trẻ cũng chóng khỏi bệnh hơn. Vì vậy, bố mẹ có thể thực hiện tăng cường miễn dịch cho bé bằng các cách sau:
2.1. Cho trẻ bú mẹ
Trong giai đoạn đầu tiên, khi hệ miễn dịch của bản thân còn non nớt, trẻ rất cần đến lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ. Đây cũng là lý do Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục duy trì sữa mẹ kèm theo chế độ ăn dặm hợp lí cho đến khi trẻ được 2 tuổi.
2.2. Tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa
70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm ở đường tiêu hóa. Để giúp giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bố mẹ không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm và cho bé ăn chế độ ăn dặm phù hợp với lứa tuổi. Mẹ có thể cho trẻ ăn sữa chua lên men tự nhiên thường xuyên, đa dạng rau củ, trái cây, từ đó giúp hệ tiêu hóa cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây hại.
2. 3. Hạn chế thuốc kháng sinh
Sử dụng kháng sinh dễ dẫn đến việc mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, làm cho hệ tiêu hóa kém đi và kết quả là thể trạng của trẻ không thể được cải thiện, lại càng dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy, mẹ cần ghi nhớ chỉ sử dụng kháng sinh khi thật cần thiết và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Trường hợp phải dùng kháng sinh cho trẻ, nên cho trẻ ăn sữa chua, bổ sung men tiêu hóa, các vi chất dinh dưỡng quan trọng, các vitamin, axit amin thiết yếu để trẻ mau chóng bình phục sau ốm và xây dựng lại hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng.
2.4. Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo lứa tuổi
Tiêm chủng là phương pháp tạo miễn dịch chủ động đặc hiệu, vaccine kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Chính vì vậy lịch tiêm chủng của bé tập trung chủ yếu vào 2 năm đầu đời. Do đó cha mẹ nên cho bé tiêm chủng đầy đủ theo lứa tuổi để tạo hệ miễn dịch khỏe mạnh cho bé.