Hướng dẫn chăm sóc trẻ béo phì

Trẻ em thừa cân có nguy cơ cao trở thành thanh thiếu niên và người lớn béo phì. Do đó cần phải sớm có kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì phù hợp theo từng giai đoạn và sự phát triển.

1. Nguyên nhân gây ra bệnh béo phì ở trẻ em

 

Để đưa ra biện pháp chăm sóc trẻ béo phì phù hợp, chúng ta cần phải đánh giá được các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trẻ em trở nên thừa cân béo phì vì nhiều lý do, chẳng hạn như yếu tố di truyền, lười vận động, ăn uống không lành mạnh hoặc sự kết hợp của các nguyên nhân này. Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi là thừa cân do một tình trạng bệnh lý như vấn đề nội tiết tố gây ra và cần phải được kiểm tra sức khỏe cẩn thận.

Mặc dù thừa cân béo phì có nhiều trường hợp mang tính gia đình nhưng không phải là tất cả trẻ em có tiền sử gia đình bị béo phì đều gặp phải tình trạng này. Trẻ em có cha mẹ hoặc anh chị em bị thừa cân có thể làm tăng nguy cơ nhưng thường có sự đi kèm của thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uốngvà sinh hoạt lành mạnh là biện pháp chăm sóc trẻ béo phì tốt nhất.

kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì

Nên có kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì

 

2. Cách chăm sóc khi trẻ béo phì

 

Bác sĩ là người giúp thiết lập mục tiêu cân nặng khỏe mạnh tổng thể và lên kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì. Tuy nhiên, việc hướng dẫn và thực hành các biện pháp chăm sóc trẻ béo phì không thể thiếu vai trò của các bậc phụ huynh.

Tham khảo các cách chăm sóc khi trẻ bị béo phì sau đây:

  • Đặt ra mục tiêu giảm cân phù hợp cho trẻ. Mục tiêu nên là giảm cân từng bước nhỏ để trẻ không nản lòng hoặc quá sức, giảm từ 0.5 - 2kg/ tháng là hợp lý. Một số trường hợp có thể áp dụng việc kiểm soát cân nặng của trẻ sao cho không tăng nhiều hơn để sự phát triển chiều cao bắt kịp với cân nặng.
  • Một biện pháp chăm sóc trẻ béo phì rất cần thiết khác là tạo cho trẻ thói quen ghi nhật ký bữa ăn. Nhật ký này không chỉ bao gồm loại, số lượng thực phẩm được ăn, mà còn là nơi đã ăn và những người khác có mặt. Nhật ký không phải để giúp tính toán lượng calo đã ăn, thay vào đó, nó rất hữu ích trong việc xác định cách ăn uống và thực phẩm có vấn đề.
  • Một chế độ ăn uống lành mạnh để giảm cân cho trẻ bị thừa cân béo phì cũng rất cần thiết, để thiết lập được chế độ ăn đôi khi cần phải có sự tham gia của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.
  • Tương tự như người lớn, tập thể dục là một cách chăm sóc khi trẻ bị béo phì. Luyện tập cũng nên bắt đầu từ những hoạt động nhẹ nhàng rồi gia tăng dần để tránh làm trẻ nản lòng. Hoạt động tối đa 20 đến 30 phút mỗi ngày, tạo sự vui vẻ, đa dạng hoạt động để gia tăng hứng thú luyện tập cho trẻ.
  • Nếu các thói quen của gia đình bạn chưa khoa học, hãy tập trung vào việc thay đổi dần thói quen tập thể dục và ăn uống. Bằng cách cả gia đình tham gia, mọi người đều được dạy những thói quen có lợi cho sức khỏe và trẻ không cảm thấy đơn độc khi thực hiện theo các biện pháp chăm sóc trẻ béo phì từ cha mẹ.

3. Có nên áp dụng một chương trình giảm cân cho trẻ?

 

Nếu những biện pháp chăm sóc trẻ béo phì của bạn tại nhà không thành công trong việc giúp con đạt được cân nặng hợp lý và bác sĩ cho rằng sức khỏe trẻ đang gặp nguy hiểm trừ khi chúng giảm cân ổn định, bạn có thể muốn xem xét một chương trình giảm cân chính thức. Mục tiêu chung của chương trình giảm cân phải là giúp cả gia đình áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất.

Khi lên kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì bằng một chương trình giảm cân, cần lưu ý những điểm sau:

  • Trước khi đăng ký tham gia một chương trình, cân nặng, sự tăng trưởng và sức khỏe của con bạn nên được bác sĩ xem xét sức khỏe tổng thể.
  • Chương trình giảm cân của trẻ phải được thiết lập và giám sát bởi các chuyên gia y tế từ dinh dưỡng đến nhi khoa, thậm chí là bác sĩ tâm lý.
  • Tập trung vào những thay đổi hành vi cho trẻ và cha mẹ phải gương mẫu. Dạy trẻ cách chọn nhiều loại thực phẩm lành mạnh theo khẩu phần thích hợp và gia tăng các hoạt động của trẻ hàng ngày.
  • Áp dụng chương trình giảm cân phù hợp với từng độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ.

kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì

Hoạt động thể chất là yếu tố cần có trong kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì

 

4. Phòng ngừa thừa cân béo phì ở trẻ em

 

Nếu các bậc cha mẹ không muốn đau đầu vì phải lên kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì, mọi người có thể làm những việc sau đây để phòng ngừa béo phì:

  • Đảm bảo bữa ăn của con bạn lành mạnh với 30% năng lượng hoặc ít hơn từ chất béo.
  • Tôn trọng sự thèm ăn của trẻ, không nên ép con ăn quá nhiều.
  • Mỗi khẩu phần ăn nên cách nhau ít nhất 15 phút.
  • Giảm thiểu việc sử dụng thức ăn mặn và các loại đồ uống có đường.
  • Hạn chế số lượng thực phẩm có hàm lượng năng lượng cao được giữ trong nhà.
  • Cung cấp đủ chất xơ trong bữa ăn, chuẩn bị sẵn trái cây và rau tươi.
  • Thay thế sữa nguyên chất bằng tách béo khi trẻ được 2 tuổi.
  • Không xem TV trong bữa ăn.
  • Khuyến khích con bạn hoạt động thể chất.

Hiện nay, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ vẫn không ngừng tăng lên. Nếu trẻ bị thừa cân béo phì, dù cho bạn chọn biện pháp chăm sóc nào thì mục đích cuối cùng vẫn là hướng trẻ đến lối sống lành mạnh. Hãy tập trung tối đa vào việc thay đổi hành vi của tất cả thành viên trong gia đình để làm gương cho trẻ. Nếu cảm thấy quá sức, cha mẹ có thể tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để được hướng dẫn thiết lập kế hoạch chăm sóc trẻ thừa cân béo phì một cách an toàn nhất.

Viết bình luận của bạn