Hỗ trợ trực quan cho trẻ em tự kỷ

Hỗ trợ trực quan hay chiến lược trực quan là thuật ngữ chỉ các công cụ trình bày thông tin bằng cách sử dụng các hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng, chữ viết và đồ vật để cung cấp các gợi ý về mặt thị giác giúp cho người sử dụng – những người gặp khó khăn về hiểu và sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp hiệu quả với người khác.

 

1. Tầm quan trọng của hỗ trợ trực quan với trẻ em tự kỷ

Với trẻ tự kỉ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hỗ trợ trực quan là công cụ hữu ích giúp trẻ giao tiếp dễ dàng hơn. Thông qua việc sử dụng tranh ảnh, ký hiệu, trẻ có thể thực hiện các chức năng giao tiếp khác nhau (ví dụ: thể hiện nhu cầu, hỏi và trả lời thông tin,...); đồng thời giảm các hành vi thách thức nhờ việc “biết trước” lịch trình hoạt động. Ngoài việc giúp trẻ giao tiếp dễ dàng hơn, các công cụ hỗ trợ trực quan còn giúp chính bản thân người giao tiếp với trẻ thấu hiểu và ứng xử phù hợp với những nhu cầu của người Tự kỷ.

Có rất nhiều công cụ hỗ trợ trực quan phù hợp với người Tự kỷ, trong đó, lịch trình bằng hình ảnh là một trong những công cụ phổ biến và hữu ích. Lịch trình bằng hình ảnh là một tập hợp hình ảnh của các hoạt động, các bước trong một quy trình hoạt động cụ thể.

2. Hỗ trợ trực quan cho trẻ em tự kỷ

2.1 Các loại lịch trình bằng hình ảnh

Trẻ em hiểu và giao tiếp ở các cấp độ khác nhau. Có trẻ chỉ hiểu được khi nhìn thấy đồ vật thật; có trẻ nhận ra được hình ảnh chụp của vật; cũng có trẻ hiểu được thông qua chữ viết. Do vậy, tùy thuộc vào năng lực của trẻ, lịch trình bằng hình ảnh sẽ được chia thành các cấp độ sau:

  • Sử dụng đồ vật thật
  • Sử dụng ảnh chụp của vật thật
  • Sử dụng hình ảnh vẽ màu (hình ảnh hoạt hình)
  • Sử dụng hình vẽ nét
  • Sử dụng chữ viết

Các công cụ trực quan sẽ hữu ích hơn khi trẻ có các kỹ năng tiền đề như:

  • Khả năng chú ý đến vật thể, hình ảnh
  • Khả năng hiểu ý nghĩa của vật thể, hình ảnh
  • Có động lực giao tiếp với người khác

    2.2 Cách xây dựng lịch trình bằng hình ảnh

    Để xây dựng một lịch trình hoạt động hữu ích với trẻ, bạn cần:

  • Viết thật chi tiết các hoạt động hằng ngày, từ lúc trẻ thức dậy cho tới khi trẻ đi ngủ với các mốc thời gian xác định.
  • Tùy thuộc vào khả năng hiểu của trẻ, lựa chọn dạng công cụ trực quan phù hợp (bằng vật thật, bằng ảnh thật, bằng ảnh vẽ,...)
  • Thiết kế lịch trình trực quan
    hỗ trợ trẻ tự kỷ

    Hỗ trợ trẻ tự kỷ có vai trò quan trọng

     

    2.3 Thiết kế lịch trình trực quan

    Chuẩn bị nguyên liệu cần thiết: bìa cứng (fomex), kéo, băng dính nhám hai mặt, hình ảnh cho lịch trình (hình ảnh chụp, hình ảnh vẽ, vật thật,... tùy thuộc vào khả năng hiểu của trẻ)

    Lựa chọn hình ảnh cho lịch trình:

    (+) Bạn nên bắt đầu từ những hoạt động “cố định” hằng ngày như: giờ ăn, giờ chơi,... Bạn cũng có thể lựa chọn thực hiện lịch trình cho một hoạt động hoặc nửa ngày, hoặc cả ngày - nếu trẻ có thể theo được.

    (+) Các hình ảnh được chọn cần rõ nét, giảm tối đa các sự vật thừa ở trong ảnh (ví dụ: chỉ chọn hình ảnh bàn chải và kem đánh răng, không chọn hình ảnh có cả bàn chải đánh răng, kem đánh răng và xà bông,..).

    (+) Hình ảnh được chọn cần tương ứng với mỗi hoạt động sẽ có trong lịch trình của trẻ.

    (+) Các hình ảnh cần có kích cỡ tương đồng với nhau, đảm bảo phù hợp với khả năng hiểu của trẻ.

    In, ép plastic để bảo quản và sử dụng hình ảnh lâu dài, cắt từng hình ảnh và dán băng dính nhám (phần gai) cố định ở mặt sau của ảnh.

    Tạo bảng lịch trình: Bạn cắt bìa cứng (fomex) sao cho phù hợp với lịch trình của trẻ, sau đó dán băng dính dám (phần bông) chạy dọc theo đường giữa của bìa cứng. Bạn có thể thiết kế lịch trình theo hàng dọc hoặc hàng ngang. Hãy chú ý thiết kế thêm một túi nhỏ thể hiện “công việc đã hoàn thành” ở góc của bảng lịch trình.

    2.4 Dạy trẻ sử dụng lịch trình bằng hình ảnh

  • Cho trẻ xem bảng thời gian biểu bằng hình ảnh. Bạn có thể cho trẻ chạm vào để cảm nhận và bắt đầu thao tác với hình ảnh có trong lịch trình (xé, dán, cất). Thời điểm đầu khi vừa dạy trẻ sử dụng lịch trình, bạn có thể sẽ cần nhiều hỗ trợ để giúp trẻ hiểu được “quy trình” của thao tác, bạn có thể chỉ vào hình ảnh và gọi tên hoạt động mà trẻ cần làm.
  • Sau khi trẻ thực hiện xong một hoạt động, bạn có thể cầm tay trẻ xé hình ảnh hoạt động vừa thực hiện xong và bỏ vào túi “Hoàn thành”.
  • Khi chuyển đổi hoạt động, có thể bạn sẽ cần nhắc trẻ “Con đi xem lịch trình nào”. Điều này sẽ giúp trẻ tập trung hơn vào nhiệm vụ trẻ cần làm.
  • Thời điểm đầu, bạn có thể cần ở bên trẻ nhiều hơn để hỗ trợ trẻ khi cần thiết. Ban đầu có thể là các hỗ trợ thể chất như: cầm tay, sau đó, bạn cầm giảm dần sự hỗ trợ nhằm hướng đến mục tiêu trẻ có thể độc lập sử dụng lịch trình.
    hỗ trợ trẻ tự kỷ

    Dạy trẻ sử dụng lịch trình bằng hình ảnh

     

    Lưu ý:

  • Bạn hãy bắt đầu từ những hoạt động nhỏ và ngắn để trẻ hiểu cách sử dụng. Ví dụ: những hoạt động bao gồm 2 bước Trước – Sau, sau đó tăng dần số lượng hoạt động và hình ảnh tương ứng.
  • Sử dụng thống nhất và cố định trong một khoảng thời gian.
  • Bảng lịch trình để ở vị trí trẻ dễ nhìn, dễ lấy. Trẻ cần nhìn thấy lịch trình trước khi bắt đầu thực hiện một hoạt động cụ thể.
  • Với mỗi hình ảnh, bạn nên ghi chú thích bằng một vài chữ, ví dụ: giờ ăn, giờ chơi,... Điều này sẽ giúp trẻ làm quen dần với chữ viết, và giúp thống nhất giữa những người hỗ trợ trẻ.
Viết bình luận của bạn