Ho ở trẻ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhưng khi trẻ em bị ho nhiều sẽ khiến ba mẹ lo lắng. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị tác nhân gây bệnh tấn công.
I. Ho ở trẻ là do đâu?
Ho là một phản xạ có lợi nhằm bảo vệ cơ thể trước các tác động từ bên ngoài. Ho diễn ra khi đào thải các dịch tiết, vi trùng ra ngoài, để đảm bảo cho đường thở luôn thông thoáng, bảo vệ đường hô hấp trước các tác nhân kích thích, gây viêm. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến ho ở trẻ như sau:
1. Do đường hô hấp trên
Một số cơ quan thuộc đường hô hấp trên như mũi, họng, amidan, xoang,... gần như tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống, nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Khi trẻ mắc các bệnh như cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan,...sẽ luôn có triệu chứng ho. Tùy từng bệnh mà ho ở trẻ có thể là ho khan, ho có đờm kèm chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu.
2. Do đường hô hấp dưới
Thanh quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi là các cơ quan thuộc đường hô hấp dưới. Các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn ở các cơ quan này thường nghiêm trọng hơn bệnh lý đường hô hấp trên.
Cơn ho thường bắt nguồn từ viêm thanh quản, viêm phế quản,... hoặc là hen. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh lý này có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
3. Các nguyên nhân khác
Các bệnh lý khác có thể dẫn đến ho ở trẻ như: trào ngược dạ dày - thực quản, ho do dị ứng, dị vật đường hô hấp, ho do tác nhân vật lý, hóa học,...
II. Phân loại triệu chứng ho ở trẻ
Các triệu chứng ho thông thường ở trẻ
Ho ở trẻ có thể được phân loại như sau:
1. Ho khan
Ho khan từng cơn ở trẻ được gây ra bởi các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, nguyên nhân sâu xa là từ nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Bên cạnh đó, ho khan cũng có thể là biểu hiện sớm của các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi hoặc viêm phế quản.
Hút thuốc lá thụ động cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
2. Ho có đờm
Đờm là chất tiết ra từ đường hô hấp dưới, ở dạng dịch nhầy, nhớt. Trẻ ho có đờm thường do viêm phế quản, hen suyễn hoặc các bệnh liên quan đến đường hô hấp dưới. Ho thực tế là một phản ứng có lợi nhằm tống xuất đờm ra khỏi cơ thể.
3. Ho gà
Khi trẻ bị ho gà, âm thanh khi ho phát ra giống như tiếng rít. Các triệu chứng của ho gà tương đồng với cảm lạnh. Tuy nhiên, cơn ho sẽ càng ngày càng nặng hơn, nhất là vào ban đêm, trẻ có thể bị tím tái vì thiếu oxy. Cha mẹ cần hết sức lưu ý khi trẻ em bị ho gà.
III. Các cách điều trị cơn ho ở trẻ em
1. Khi trẻ bị ho, bố mẹ có nên tự ý mua thuốc?
Trên thực tế, khi gặp tình trạng ho ở trẻ, nhiều bố mẹ thường tự mua thuốc cho con uống. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo không nên tự ý dùng, cần thiết phải xác định đúng nguyên nhân gây ho ở trẻ để có cách điều trị thích hợp.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), đối với trẻ dưới 4 tuổi, bố mẹ không được tự ý dùng thuốc. Với trẻ từ 4 tuổi đến 6 tuổi, nên tham khảo ý kiến chỉ dẫn của bác sĩ trước khi sử dụng. Với trẻ trên 6 tuổi, bố mẹ có thể tự mua thuốc ở quầy thuốc theo sự hướng dẫn của dược sĩ đứng quầy. Không nên phối hợp nhiều hơn 2 loại thuốc giống cơ chế cùng thời điểm vì trẻ có thể bị quá liều dẫn đến các tác dụng không mong muốn xảy ra.
2. Khi nào thì bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện?
Ho ở trẻ có nguy hiểm không? Thông thường khi trẻ em bị ho, bố mẹ không cần đưa đến bác sĩ, các triệu chứng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bạn cần gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức khi trẻ em bị ho cùng xuất hiện 1 trong các triệu chứng sau:
- Tím tái vùng môi.
- Bé thở yếu, gắng sức, ngừng thở.
Với các triệu chứng dưới đây, bố mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để thăm khám:
- Khó chịu khi thở hay nói chuyện.
- Nôn khi ho.
- Mặt, môi tím tái khi ho.
- Bé yếu ớt và mệt mỏi.
- Cảm giác có dị vật trong họng.
- Đau ngực khi hít thở sâu.
- Thở khò khè.
- Đo nhiệt độ trực tràng trên 39 độ C với bé dưới 4 tháng tuổi (không sử dụng thuốc hạ sốt).
- Sốt cao trên 40 độ C, trong vòng 2 giờ sau uống thuốc không hạ sốt.
- Bé bỏ bú, bú kém.
3. Khi trẻ em bị ho, nên chăm sóc như thế nào?
- Để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi tình hình thường xuyên để có biện pháp ứng phó kịp thời.
- Tăng cường sức đề kháng bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức, bổ sung nước và điện giải cho bé.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bị ho
- Xông hơi cũng có thể làm giảm ho ở trẻ, hơi nước nóng sẽ giúp đường hô hấp được thư giãn. Bố mẹ cần chú ý tránh để trẻ bị bỏng.
- Đối với trẻ trên 1 tuổi, có thể dùng chanh và mật ong pha với nước ấm để giảm cơn ho. Trẻ dưới 1 tuổi, không sử dụng phương pháp này, vì mật ong có thể khiến trẻ bị ngộ độc.
- Tiêm phòng cho trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa ho từ các bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi,...
IV. Những lưu ý khi trẻ bị ho
- Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, không cho trẻ ăn những thực phẩm không tốt cho bệnh ho như: kẹo bạc hà, đồ ăn cay, nóng, đồ uống có ga,...Nên cải thiện bữa ăn cho trẻ, bổ sung nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để tăng sức đề kháng.
Trẻ bị ho không nên sử dụng đồ uống có ga
- Trẻ nên ăn ít nhất là 2 giờ trước đi ngủ.
- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 4 tuổi, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn trước khi dùng.
- Nếu các triệu chứng ho không thuyên giảm, bố mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Ho là triệu chứng thường thấy ở trẻ. Khi đã tìm hiểu kĩ các nguyên nhân có thể dẫn đến ho, triệu chứng cụ thể và cách xử trí, các bậc cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định phương hướng xử lý, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con em mình.