Hình ảnh bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn bệnh
Tại Việt Nam, theo báo cáo, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng tăng gấp 5 đến 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là căn bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe cho người bệnh.
1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là gì?
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột gây nên, hay gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, tập trung ở độ tuổi từ 1 đến 3. Khi mới có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, chảy nước miếng. Bệnh lây truyền nhanh thông qua chất dịch, nước bọt, dịch tiết mũi họng, phân,.... của những trẻ mắc bệnh. Khoảng 24 giờ sau khi các virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết sẽ gây nên các tổn thương da và niêm mạc trên tay, chân, miệng, hậu môn....
Virus Coxsackievirus A16 gây bệnh ở thể nhẹ, thường sẽ tự khỏi trong vòng từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị. Trong khi đó, virus Enterovirus 71 (EV71) gây ra dạng bệnh thể nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim và thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài virus Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71, một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie A4-A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của bệnh nhân. Theo đó, khi các virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết sau khoảng 24 giờ, gây nên các tổn thương da và niêm mạc trên miệng, tay chân, hậu môn...
2. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng, bao gồm:
- Sốt nhẹ
- Xuất hiện các nốt ban đỏ và bọng nước trên da, nhất là ở khu vực lòng bàn tay và bàn chân
- Xuất hiện các vết loét nhỏ xung quanh miệng và bên trong miệng khiến trẻ bị đau rát, quấy khóc và lười ăn
Theo đó, các nốt ban, nốt bọng nước, vết loét ở miệng ở trẻ thường không quá to, có hình bầu dục. Bệnh tay chân miệng thường ủ bệnh trong khoảng từ 3 đến 6 ngày.
Ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân mắc tay chân miệng thường xuất hiện các dấu hiệu dễ nhận thấy như sốt nhẹ ( 37,5 độ -38 độ C) hoặc sốt cao (38-39 độ C), chán ăn, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, chảy nước bọt, xuất hiện các tổn thương, răng và miệng đau rát....
Sau 1 đến 2 ngày phát bệnh, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng, chẳng hạn như: xuất hiện các nốt phát ban dạng bỏng nước có màu xám, kích thước từ 2 đến 10mm, hình bầu dục ở bàn tay, bàn chân, miệng, mông.
Ngoài ra, tùy theo cơ địa, một số bé bị bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện hiện tượng loét miệng, còn một số trẻ lại xuất hiện các bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban và hình ảnh bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn có sự khác nhau.
Cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần bởi có nhiều chủng virus khác nhau gây bệnh.
Nếu không được điều trị sớm, bệnh tay chân miệng sẽ tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não. Một số biến chứng khác như bại liệt, tê liệt hoặc viêm não với các dấu hiệu kèm theo như sốt cao, co giật, méo miệng, tay chân run... Bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da nếu không được vệ sinh sạch sẽ.
Thông thường, sau khoảng từ 7 đến 10 ngày, bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ tự khỏi. Song vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, thậm chí gây tử vong nên các bậc phụ huynh không được phép chủ quan trong việc chăm sóc điều trị người bệnh. Chúng ta cần tuân thủ đúng các quy định điều trị cũng như chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng.