Cách thay tã dùng một lần cho bé

Nhiều bậc cha mẹ không biết cách thay tã cho con và cảm thấy lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Việc thay tã cho bé sẽ trở nên đơn giản hơn khi bố mẹ trang bị sẵn cho mình những kiến thức cơ bản về vấn đề này.

Thay tã cho bé không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến bé rất dễ bị hăm tã hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

1. Các bước chuẩn bị trước khi thay tã dùng một lần cho trẻ

  • Rửa và lau khô tay, làm sạch tay bằng nước rửa tay hoặc khăn lau dành cho trẻ em.
  • Chuẩn bị khu vực sạch sẽ, ấm áp để thay đồ cho bé. Nếu bạn không sử dụng bàn thay quần áo, bạn có thể đặt chăn, khăn tắm hoặc thảm thay đồ trên sàn hoặc giường.
  • Lấy đồ dùng của bạn, bao gồm tã sạch và nhiều khăn lau hoặc khăn ướt. Đối với trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm, bạn có thể sử dụng nước ấm và khăn giấy cắt sẵn (dùng loại dày) hoặc khăn lau trẻ em bằng vải có thể giặt được (bạn có thể mua hoặc tự làm). Nếu trẻ dễ bị hăm tã, hãy chuẩn bị sẵn kem chống hăm hoặc mỡ bôi trơn.

Lưu ý: Nếu bạn thay tã cho bé trên bề mặt cao như bàn thay tã hoặc giường, hãy đảm bảo luôn giữ một tay bé. Hầu hết các bàn thay đồ đều có dây đeo bạn có thể sử dụng để cố định bé. Cho dù em bé của bạn có được quấn vào hay không, bạn phải luôn chú ý để mắt đến trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi có thể vặn vẹo khỏi bàn khi bạn sơ ý không quan sát.

Nhịp thở trẻ sơ sinh

Cho dù em bé của bạn có được quấn vào hay không, bạn phải luôn chú ý để mắt đến trẻ

 

2. Cách thay tã dùng một lần cho trẻ

  • Mở các miếng dán trên miếng tã cũ. Mẹ cần gấp lại ngay để tránh cho chúng dính vào người bé.
  • Kéo nửa phần trước của miếng tã bẩn từ chỗ vùng kín của trẻ xuống. Nếu bé là con trai thì mẹ cần dùng vải sạch để che phần dương vật bé lại để tránh tình trạng bé tè và nước tiểu bắn vào người.
  • Nếu có phân trong tã thì có thể lấy phần trước của tã để túm gọn phân cũng như lau sạch chúng đi
  • Nhấc phần dưới của bé lên bằng cách nâng hai chân lên khỏi mặt bàn. Mẹ có thể nắm chân bé ngay phần mắt cá rồi từ từ và nhẹ nhàng nâng lên. Tay còn lại gấp đôi miếng tã cũ lại và phần chất bẩn sẽ nằm gọn bên trong
  • Lau sạch phần trước của bé bằng khăn mềm. Nếu là bé gái thì mẹ cần lau từ trước ra sau phần hậu môn. Điều này giúp ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín và âm đạo bé gây nhiễm trùng
  • Nếu trong lúc thay tã bé tiếp tục ị thì mẹ cần lấy khăn lau hoặc giấy mềm túm phần phân lại và lau sạch vùng mông bé. Mẹ có thể luân phiên nâng một chân bé lên rồi nhẹ nhàng nghiêng người bé qua để lau sạch cả phần đùi và hậu môn bé để da bé khô thoáng một lúc hoặc dùng vải sạch để lau khô
  • Để tránh tình trạng hăm tã thì có thể bôi một lớp kem chuyên dùng cho bé bị hăm. Cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng hăm tã là giữ cho mông và vùng kín bé luôn khô thoáng bằng cách thường xuyên kiểm tra và thay tã
  • Lấy gọn phần tã bẩn ra khỏi mông bé và dọn dẹp sạch sẽ
  • Mở miếng tã lót mới và đặt xuống dưới mông, phần trên của tã ôm lấy phần hông. Nếu bạn sợ con tè hay đi ngoài nhiều và vấy bẩn ra xung quanh bạn thì có thể lót thêm khăn tắm xuống phía dưới nữa thay vì chỉ dùng mỗi miếng tã lót mới
  • Kéo nửa phần trên của tã lại sao cho giáp với bụng bé. Đối với bé trai thì mẹ cần đảm bảo đặt dương vật sát xuống để tránh tình trạng bé tè lên phần trên cùng của tã
  • Nếu là trẻ sơ sinh thì bố mẹ cần tránh việc che kín dây rốn bé cho tới khi dây rốn khô và rụng đi. Bạn có thể mua loại tã mặc một lần được thiết kế đặc biệt cho trẻ sơ sinh có lỗ trống ngay phần rốn bé hoặc mẹ có thể gấp phần tã ngắn lại sao cho chúng không đụng đến phần rốn bé
  • Điều quan trọng là mẹ phải đảm bảo khoảng cách tã giữa 2 chân bé có độ rộng vừa phải để bé cảm thấy thoải mái. Nếu mẹ mặc tã quá chật, ôm sát người sẽ khiến bé khó chịu, vì miếng tã sẽ cọ xát mạnh vào làn da nhạy cảm của bé
  • Dán miếng keo dính ở hai bên tã để cố định. Tã lót sẽ không quá chật nhưng sẽ được giữ chặt vì chúng còn có độ co giãn. Mẹ cần nhớ là không để miếng dán trên tã dính vào da bé
  • Cách thay tã cho bé giờ đã xong, mẹ có thể mặc quần áo vào cho bé rồi
  • Tiếp theo là khâu sử lý phần tã bẩn và phân bé. Bạn gói gọn và cho vào thùng rác, đồng thời lưu ý vứt tã theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất
  • Cuối cùng, bạn cần rửa tay sạch sau khi thay tã cho bé.
Hăm tã ở trẻ em: Nguyên nhân, hướng dẫn xử trí

Để ngăn ngừa tình trạng hăm tã hãy giữ mông và vùng kín bé luôn khô thoáng

3. Lưu ý khi thay tã dùng một lần cho trẻ

  • Thay tã thường xuyên là cách để giúp bé tránh bị hăm tã, đặc biệt là những lúc bé đi ngoài và phân dính ở tã, mẹ nên thay cho bé càng nhanh càng tốt để tránh trường hợp bé bị hăm tã.
  • Mẹ cần trang bị kiến thức về hăm tã bình thường ở trẻ với tình trạng hăm tã do nấm để có cách điều trị thích hợp với mỗi loại.
  • Mẹ hãy luôn để mắt đến bé. Nếu bé yêu của bạn luôn ngọ nguậy tay chân và không ngừng làm ồn trong suốt quá trình thay tã thì mẹ cần có những biện pháp để ý giữ yên lặng, chẳng hạn cho bé chơi đồ chơi trong lúc bạn làm nhiệm vụ thay tã.
  • Dự trữ tã cho trẻ. Trẻ sơ sinh có thể làm ướt từ 8−10 miếng tã một ngày. Một số loại tã dùng một lần dành cho trẻ sơ sinh còn có miếng báo hiệu khi tã bị ướt rất tiện lợi.
  • Một số loại tã dùng một lần cho trẻ nhỏ có vạch chỉ báo độ ẩm trên tã - một vạch sẽ chuyển màu nếu tã bị ướt. Điều này tuy không cần thiết, nhưng đây cũng là cách thuận lợi để biết nhanh đã đến lúc cần thay tã hay chưa.
  • Nếu phần phân và nước tiểu của bé tràn ra ngoài thì bạn cần chọn loại tã có kích thước lớn hơn cho bé. Những thông số về cân nặng ghi trên tã chỉ là những hướng dẫn để tham khảo mà thôi. Bé yêu của bạn sẽ lớn rất nhanh và cần dùng loại tã cỡ lớn hơn.
  • Khi đưa bé ra khỏi nhà, mẹ cần chuẩn bị thêm một số túi nhựa để đựng tã bẩn và phân trong trường hợp không có chỗ đựng nhằm đảm bảo vệ sinh.
  • Khi thay tã, bạn có thể vừa nói chuyện hay hát cho trẻ nghe, chỉ ra các bộ phận khác nhau trên cơ thể trẻ và giải thích những gì bạn đang làm.
Viết bình luận của bạn