Cách lựa chọn hoạt động chơi để tăng cường hoocmon hạnh phúc cho trẻ

Các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về cảm xúc, cũng đưa ra rất nhiều định nghĩa về cảm xúc như “cảm xúc là phản ứng với các sự kiện quan trọng bên trong và bên ngoài” hoặc “Cảm xúc bao gồm một tập hợp các phản ứng phối hợp, có thể bao gồm các cơ chế thông qua lời nói, sinh lý, hành vi và thần kinh”. Bài viết dưới đây gợi ý cách lựa chọn hoạt động chơi để tăng cường hoocmon hạnh phúc cho trẻ.

 

1. Định nghĩa và vai trò của cảm xúc

Cảm xúc là một phần rất quan trọng trong đời sống tâm lý của chúng ta, có thể thể hiện ra ngoài dưới các hành vi, hoạt động, lời nói hoặc ẩn chứa bên trong những suy nghĩ, mà nhiều khi chúng ta không thể kiểm soát được. Trong tâm lý học, cảm xúc có mối quan hệ qua lại với hành vi và nhận thức, có thể chi phối cũng như bị ảnh hưởng bởi yếu tố này. Trong cuộc sống thực tế, cảm xúc có nhiều vai trò như sau:

  • Cảm xúc có thể thúc đẩy ta hành động
  • Cảm xúc giúp ta sinh tồn, phát triển và phòng tránh các mối nguy hiểm
  • Cảm xúc giúp ta đưa ra quyết định
  • Cảm xúc giúp mọi người hiểu nhau
  • Cảm xúc giúp ta hiểu người khác

2. Cảm xúc có phải là vấn đề khó khăn ở trẻ tự kỷ không?

Với trẻ tự kỷ, khó khăn cốt lõi của trẻ là khiếm khuyết kéo dài trong giao tiếp và tương tác xã hội. Có thể thấy nhiều trẻ thể hiện ra ở những thiếu hụt trong trao đổi qua lại cảm xúc - xã hội, từ cách tiếp cận xã hội bất thường và kém hội thoại qua lại; đến giảm chia sẻ sở thích, tình cảm hoặc cảm xúc; kém khởi xướng hoặc đáp ứng với các tương tác xã hội.

Có thể đưa ra một số ví dụ liên quan như:

  • Ít quan tâm, chia sẻ với người khác
  • Không biểu hiện cảm xúc của mình phù hợp
  • Không cần đến sự vỗ về, an ủi của người khác
  • Đáp ứng xã hội không phù hợp
  • Không thể chia sẻ tự nhiên niềm vui hoặc mối quan tâm với người khác

Từ đó có thể thấy khó khăn về việc hiểu và thể hiện cảm xúc cũng là một trong những khó khăn chủ yếu của trẻ tự kỷ, góp phần khiến việc xây dựng mối quan hệ, việc tương tác của trẻ với người khác sẽ gặp khó khăn hơn. Như vậy, hướng dẫn việc nhận diện cảm xúc của bản thân và người khác, kiềm chế cảm xúc tiêu cực cũng là một trong những cách thức để hỗ trợ trẻ tự kỷ trong cuộc sống.

vui chơi

Một số trẻ tự kỷ có thể tự phấn khích hoặc tự vui chơi với những hoạt động riêng của mình

 

3. Phân loại cảm xúc

Có nhiều cách phân loại cảm xúc. Có nhà khoa học thì phân loại cảm xúc thành 6 cảm xúc cơ bản như: Vui vẻ/ Buồn bã/ Tức giận/ Sợ hãi/ Bất ngờ/ Hào hứng

Có một cách chia khác thành Cảm xúc Tích cực và Cảm xúc Tiêu cực. Với Cảm xúc Tích cực, theo quan niệm của Cabanac, là những trải nghiệm tinh thần với kết thúc dễ chịu. Tương tự như vậy, giáo sư tâm lý học Fredrickson cũng xem những cảm xúc tích cực là những cảm xúc tốt cho thấy sự hưng thịnh của con người. Có thể liệt kê một số Cảm xúc Tích cực như là thích thú, sung sướng, đam mê, hãnh diện, thoải mái, êm ấm, yêu thương, bình an, yên tâm, trân trọng, vinh dự, lãng mạn, cảm giác thành công, hưng phấn, hài lòng, vui vẻ, vui mừng....

Ngoài ra, các nghiên cứu y học cho thấy cảm xúc tích cực hoạt hóa các chức năng sinh lý như hệ nội tiết, hệ miễn dịch, các chất truyền dẫn thần kinh, làm cơ thể tiết các hoocmon như endorphin, serotonin, dopamine, oxytocin, có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, dẫn đến tăng sức đề kháng cơ thể, đôi khi tạo ra những điều kỳ diệu, giúp con người vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo.

Còn cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc mà chúng ta thường không thấy vui lòng khi trải nghiệm. Cảm xúc tiêu cực có thể được định nghĩa là "những cảm xúc không hài lòng hay không vui được gợi lên trong một người để thể hiện ảnh hưởng tiêu cực của một sự kiện hay một người" (Pam, 2013). Nếu một cảm xúc làm bạn chán nản hoặc kéo bạn chùn xuống, thì hẳn nó là một cảm xúc tiêu cực.

Cả 2 loại cảm xúc đều cần thiết và quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên cần có sự cân bằng, hoặc giảm được cảm xúc tiêu cực ở mức tối đa. Đặc biệt với trẻ tự kỷ, nhiều trẻ chỉ bám dính những thứ mình thích, khi bị tách ra hoặc khi không được làm theo ý mình thì khó chịu, trẻ cũng không biết thay đổi hoạt động linh hoạt để tạo niềm vui cho mình, vì vậy người lớn cần hướng dẫn thêm các hoạt động để trẻ có thể giải tỏa được cảm xúc tiêu cực của mình.

 

4. Các hoocmon hạnh phúc có tác dụng như thế nào?

Có 4 loại hoocmon được coi là đại diện cho cảm xúc hạnh phúc: serotonin, dopamin, oxytocin và endorphin

  • Đầu tiên phải kể đến là hoocmon Oxytocin – được gọi là hoocmon của tình yêu – khiến cho chúng ta cảm thấy được yêu thương và tin tưởng vào người khác hơn.
  • Bên cạnh đó là hoocmon Endorphin- còn được gọi là hoocmon hưng phấn hoặc kẻ thù của trầm cảm, cũng có người đặt cho nhóm Endorphin biệt danh là “dũng sĩ diệt niềm đau”. Nhóm hoocmon này sẽ giúp chúng ta cảm thấy thư thái, phấn chấn, lạc quan, yêu đời, ngoài ra còn giúp cho tăng cường sức đề kháng, giảm cơn đau, giảm căng thẳng và làm chậm quá trình lão hóa
  •  
  • Nhóm hoocmon thứ 3 là Serotonin – kẻ cân bằng tâm trạng – có tác động lớn đến sự cân bằng cảm xúc của chúng ta, giúp điều tiết tâm trạng, chống trầm cảm hoặc khiến cho mỗi người có giấc ngủ ngon hơn.
  • Nhóm cuối cùng là hoocmon Dopamine – hóa chất của phần thưởng – hoocmon này sẽ được giải phóng khi chúng ta cố gắng để đạt mục tiêu đã đề ra. Chúng giúp ta hưng phấn, thúc đẩy chúng ta làm việc với nhiều năng lượng hơn, và tăng sự tập trung hơn.
  • 4 loại hoocmon này khi được giải phóng ra, đều giúp con người tăng cường được cảm xúc tích cực – là tăng trạng thái dễ chịu, thỏa mãn, và đều có thể được giải phóng khi chúng ta tham gia các hoạt động hàng ngày.

  •  

    vui chơi

    Các hoạt động có thể thực hiện để tăng cường hoocmon hạnh phúc cho trẻ

     

    5. Các hoạt động có thể thực hiện để tăng cường hoocmon hạnh phúc cho trẻ

    Một số trẻ tự kỷ có thể tự phấn khích hoặc tự vui chơi với những hoạt động riêng của mình: thích thú với những hoạt động về giác quan (thích thú khi ngắm bánh xe quay tròn, cảm thấy an toàn khi cần phải ôm một chú gấu bông, cảm giác được trèo leo để giải phóng những năng lượng dư thừa trong cơ thể,....), hoặc cũng sẽ khó chịu khi những hoạt động quen thuộc bị phá vỡ, khi có người khác can thiệp vào hoạt động yêu thích của chúng. Nhiệm vụ của mỗi thầy cô/ bố mẹ là giúp trẻ mở rộng thêm các hoạt động, để từ những hoạt động đó, cơ thể giải phóng ra các hoocmon hạnh phúc giúp trẻ vui vẻ hơn, từ đó giảm bớt được sự căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực.

  • Một số hoạt động dễ dàng thực hiện với trẻ, có thể kể đến như:

  • Các hoạt động liên quan đến việc chơi đùa với động vật: khi được chơi cùng, vuốt ve và cho những con vật dễ thương như chó, mèo, cá, thỏ... ăn, trẻ sẽ cảm thấy được sự yêu thích từ những con vật nhỏ nhắn, được giải phóng giác quan qua đôi bàn tay khi chạm vào lông, được kích thích giác quan thính giác khi nghe tiếng kêu và rèn được sự nhẫn nại khi chăm sóc chúng. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tắm cho thú cưng với các hoạt động như xịt nước vào người, lau khô người hoặc dùng máy sấy để sấy khô cho chúng; cho chúng ăn bằng cách đổ thức ăn khô vào bát hoặc lấy nước cho chúng, cùng chúng đi dạo hoặc chơi trò ném bóng, vuốt ve chúng khi trẻ buồn...
  • Các hoạt động liên quan đến việc đụng chạm cơ thể như nắm tay hoặc ôm chặt nhau, như massage ngón tay, massage bàn tay, massage lưng – chân, massage đầu, ôm thật chặt toàn bộ cơ thể trẻ..
  • Khen ngợi trẻ khi trẻ thực hiện tốt/ hoặc cố gắng thực hiện/ hoặc khi trẻ cố gắng tham gia vào các hoạt động: có nhiều cách khen như đập tay high-five, khen bằng lời về sự cố gắng của trẻ “Con đang rất cố gắng rồi đấy”, hoặc khen thành quả trẻ đạt được, khen về những gì trẻ làm cho bố mẹ “Cảm ơn con vì con đã để phần đồ ăn cho mẹ”, hoặc chỉ đơn giản là nụ cười thật to, sự ngạc nhiên phấn khích với những hành động mà trẻ làm được... cũng đều có thể làm trẻ cảm thấy mình làm tốt và mình được tán thưởng. Hoặc đôi khi phần thưởng vật chất như một cái kẹo, hoặc một gói bim bim cũng giúp trẻ cảm thấy sung sướng. Đặc biệt là những phần thưởng bất ngờ kèm theo lời khen ngợi sửng sốt về hành vi của trẻ sẽ khiến chúng tự hào về bản thân mình biết nhường nào: “hôm nay con đã làm bài rất nhanh nên mẹ sẽ đọc cho con 2 cuốn truyện nhé, con tự giác thực hiện như vậy mẹ rất là tự hào đấy”
  • Cùng nhau tập thể dục, thể thao, hoặc dạy trẻ những hoạt động vận động mới như: tập đi xe đạp, tập trượt patin, tập nhảy theo nhạc, tập yoga, tập múa, chạy bộ, tắm nắng, bơi.... Chú ý rằng luôn bắt đầu từ những hoạt động mà trẻ thích, và mức độ mà trẻ chấp nhận được, miễn là hoạt động đó cho phép trẻ được vận động và được giải tỏa năng lượng.
  • Các hoạt động tạo ra nụ cười: nụ cười có thể xảy ra khi trẻ được chơi các trò chơi tương tác, có động chạm đến cơ thể như cù, kéo cưa, hoặc chỉ đơn giản là nắm tay trẻ cho quay một vòng; nụ cười cũng có thể xảy ra khi trẻ phấn khích và thích thú với những hoạt động tự mình nghĩ ra... Tất cả các việc làm để tạo ra nụ cười cho trẻ đều được chấp nhận, nếu trẻ được cười to, cười vang, với nụ cười sảng khoái và thích thú thì là tốt nhất. Tất nhiên vẫn nên chú trọng nhiều hơn đến việc chia sẻ nụ cười trong tương tác với người khác, hơn là trẻ tự phấn khích một mình.
  •  

  • Các hoạt động về trải nghiệm giác quan hoặc liên quan đến thực tế cuộc sống: hãy cho trẻ tham gia vào mọi hoạt động của công việc hàng ngày như chuẩn bị đồ ăn, nấu cơm, sắp xếp bát đũa, đi chợ và chọn đồ ăn cho gia đình.... để trẻ được trải nghiệm nhiều điều và tận hưởng được cảm giác làm được việc.
  • Lên kế hoạch cụ thể và có mục tiêu rõ ràng: sẽ cần có bảng danh sách những việc trẻ cần làm và hoàn thành được việc đó với cảm giác chinh phục, cảm giác chiến thắng. Có thể bắt đầu với lịch học cá nhân của trẻ, ví dụ: hôm nay cần xâu 5 bông hoa, cắt được 5 hình tròn và lấy bát đũa cho cả nhà vào giờ ăn cơm... Bố mẹ cần cụ thể hóa nội dung bằng chữ viết hoặc bằng hình ảnh để trẻ hiểu và thực hiện được dễ dàng.

     

     

Viết bình luận của bạn