Bé vừa khỏi tiêu chảy, nên ăn gì cho tốt?
Trẻ bị tiêu chảy kéo dài dễ dẫn đến tình trạng mất nước, gây mệt mỏi, biếng ăn, sụt cân, thậm chí là suy dinh dưỡng nếu phụ huynh không biết cách chăm sóc trẻ kịp thời. Vì vậy việc thay đổi chế độ ăn uống phù hợp sau khi trẻ khỏi bệnh đóng vai trò quan trọng giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe. Vậy bé hết tiêu chảy nên ăn gì?
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
Trẻ bị tiêu chảy là bệnh lý tiêu hóa hay gặp, khiến cơ thể rất dễ mất nước và thiếu các dưỡng chất cần thiết. Theo các chuyên gia, trước khi nhiều cha mẹ đặt ra câu hỏi nên cho bé ăn gì khi bị tiêu chảy thì nên quan tâm đến nguyên tắc dinh dưỡng dành cho trẻ bị tiêu chảy:
- Đối với các con vẫn còn đang bú mẹ, mẹ nên tăng số lần bú nhiều hơn so với bình thường;
- Đối với trẻ bị tiêu chảy đang sử dụng sữa công thức, mẹ có thể tăng số lần bú trong ngày tùy theo nhu cầu của con;
- Đối với trẻ lớn hơn và đã bước vào giai đoạn ăn dặm bổ sung: Chế độ ăn của bé không được kiêng cữ quá mức. Thay vào đó hãy cố gắng xây dựng bữa ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết như tinh bột (carbohydrate), đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và các khoáng chất. Đồng thời, các bữa ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (khoảng 6-8 bữa/ngày) và cách chế biến nên ưu tiên các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa;
- Khi bé hết tiêu chảy nên ăn gì? Lúc này cha mẹ có thể chuyển dần chế độ dinh dưỡng về như bình thường;
- Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là phải bù đủ lượng nước cần thiết cho trẻ bị tiêu chảy để phòng ngừa mất nước.
2. Bé hết tiêu chảy nên ăn gì?
2.1. Nhóm trẻ bú mẹ hoàn toàn
Bé hết tiêu chảy nên ăn gì là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm với mục đích chính là giúp con phục hồi nhanh nhất. Đối với những trẻ bị tiêu chảy vừa hết mà bú mẹ hoàn toàn thì mẹ vẫn tiếp tục thói quen cho con bú như bình thường, thậm chí giai đoạn đầu nên tăng số lần cho bé bú trong ngày. Sữa mẹ chứa các thành phần dinh dưỡng tối ưu, lại phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ nên khả năng dung nạp rất tốt, đặc biệt khi con vừa mới hết tiêu chảy. Bên cạnh đó, bú sữa mẹ được đánh giá có thể cải thiện rất tốt tình trạng trẻ bị tiêu chảy, rút ngắn thời gian bệnh, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ mất nước của con.
Nhiều bà mẹ có quan niệm sai lầm là mẹ chỉ nên ăn cơm với muối để "sữa lành”, điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến bài tiết sữa của mẹ. Đặc biệt hơn khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ càng phải bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của bản thân các loại thực phẩm bổ dưỡng để vừa đảm bảo tiết đủ sữa, vừa cung cấp đủ dưỡng chất cho con khi bú mẹ.
2.2. Nhóm trẻ không bú sữa mẹ
Hiện nay, việc trẻ sử dụng sữa công thức, sữa bột hay sữa bò thay cho sữa mẹ không hiếm gặp. Một lưu ý quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy mà trước đó đang sử dụng sữa bò hoặc sữa bột thì mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú loại sữa như cũ, mỗi lần nên bú số lượng ít và chia ra nhiều cữ bú trong ngày. Nếu trẻ bú bình (sữa bột), mẹ nên pha sữa loãng hơn (giảm lượng sữa, giữ nguyên lượng nước) và giữa các lần bú nên cách nhau ít nhất 3 giờ.
2.3. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Một số lưu ý đối với việc bé hết tiêu chảy nên ăn gì:
- Sử dụng loại thực phẩm dễ tiêu: Bên cạnh việc bú sữa mẹ, chế độ ăn dặm của bé nên cung cấp những món ăn dễ tiêu hóa như: Bột gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn, sữa chua, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm...;
- Với trẻ bị tiêu chảy mới hết cha mẹ nên ưu tiên chế biến món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món ninh, hầm nhừ hay cơm giã nát. Lưu ý các món ăn cho trẻ bị tiêu chảy cần được nấu kỹ, cần cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế nguy cơ tái phát tiêu chảy. Nếu bắt buộc phải cho con sử dụng những món ăn đã nấu sẵn, mẹ cần phải đun nóng lại trước khi cho bé sử dụng;
- Trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ bị tiêu chảy, mẹ cần phải rửa tay, sát khuẩn bằng xà phòng và đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ. Một số dụng cụ như bát, đũa, cốc, chén, muỗng, nĩa... sau khi rửa sạch nên nhúng vào nước đang đun sôi trước mỗi bữa ăn;
- Chế độ ăn không kiêng chất béo: Cha mẹ cần nhớ chế độ dinh dưỡng cho con vẫn cần có chất béo (lipid) để bổ sung thêm năng lượng. Tuy nhiên, trẻ bị tiêu chảy thì mẹ nên thay thế mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng...;
- Các loại trái cây: Chế độ ăn của trẻ bị tiêu chảy nên bổ sung thêm các loại quả tươi hoặc nước ép như chuối, cam, xoài, hồng xiêm để bổ sung thêm nguyên tố kali;
- Bảo đảm cung cấp đủ nước: Với trẻ bị tiêu chảy, bù nước được xem là ưu tiên số một. Với mỗi lần con đi ngoài lỏng, mẹ phải bổ sung, bù đủ lượng nước mất ngay. Loại nước phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy là nước dừa hay nước cháo loãng hoặc nếu đủ điều kiện nên sử dụng dung dịch Oresol (vừa bù nước, vừa bổ sung các chất điện giải). Tuy nhiên, việc pha hỗn hợp Oresol cần phải đúng theo tỷ lệ hướng dẫn và cho bé uống dần theo quy định. Mẹ có thể thay thế Oresol bằng cách pha 1 muỗng cà phê muối và 8 muỗng cà phê đường trong 1 lít nước;
- Bổ sung thêm các loại men vi sinh: Trẻ bị tiêu chảy có thể bổ sung men vi sinh. Sản phẩm này giúp giảm triệu chứng của tiêu chảy hiệu quả khi bổ sung lượng lớn các vi khuẩn có lợi, ức chế sự phát triển và gây bệnh của các chủng hại khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch, giúp lên men thức ăn, sản xuất acid lactic, tăng tốc độ chuyển hóa và bài tiết chất độc. Từ đó, men vi sinh hỗ trợ giúp bé tiêu hóa tốt hơn và tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng.
3. Trẻ bị tiêu chảy không nên ăn gì?
Cho bé ăn gì khi bị tiêu chảy quan trọng thì việc trẻ bị tiêu chảy nên hạn chế bổ sung gì cũng quan trọng không kém. Vấn đề này phụ thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy để loại bỏ các loại thực phẩm làm triệu chứng đi ngoài tồi tệ hơn. Các loại thực phẩm nên tránh bao gồm:
- Các món ăn chiên, xào, rán: Lượng dầu mỡ khi chế biến món ăn chiên xào tương đối khó tiêu hơn, do đó chúng có thể làm nặng thêm tình trạng trẻ bị tiêu chảy;
- Món ăn nhiều đường và chất tạo ngọt nhân tạo: Các loại đường khi đi vào đường ruột có khả năng ảnh hưởng đến các chủng vi khuẩn vốn đã nhạy cảm ở đây, đồng thời làm tăng tính thẩm thấu và khiến tình trạng tiêu chảy tăng thêm. Bên cạnh đó, trẻ bị tiêu chảy nên tránh các sản phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo vì chúng có tác dụng nhuận tràng. Các sản phẩm trẻ bị tiêu chảy cần hạn chế bao gồm bánh, kẹo, mứt, siro, nước ngọt...
- Hạn chế bổ sung quá nhiều chất xơ: Ở điều kiện bình thường, chất xơ đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, hạn chế tình trạng táo bón. Tuy nhiên, với trẻ bị tiêu chảy vừa bước vào giai đoạn phục hồi thì cần hạn chế chất xơ trong khẩu phần ăn;
- Không sử dụng nước có ga: Các loại đồ uống có ga hay nước giải khát công nghiệp có thể làm trẻ đầy hơi, khó tiêu, dễ no bụng nên khả năng ăn uống kém hơn;
- Thực phẩm tái, sống: Tuyệt đối không cho trẻ bị tiêu chảy ăn rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, mắm tôm, mắm tép...;
- Các món ăn có thể gây kích ứng đường ruột: như hành tây, tỏi, thức ăn cay, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm sản sinh ra khí trong ruột (như cải bắp,bông cải xanh và súp lơ...), trái cây họ cam quýt.