7 quy tắc giúp trẻ em Pháp không biếng ăn

Karen Le Billon, tác giả của cuốn sách “French Kids Eat Everything” (Trẻ em Pháp ăn tất cả mọi thứ) đã chia sẻ bí quyết giúp con không kén ăn.

Cuốn tiểu thuyết của Karen Le Billion kể về câu chuyện của gia đình nhỏ của cô rời Canada và chuyển sang Pháp, sống một năm ở vùng quê nhỏ bé của chồng. Điều khiến Karen bất ngờ nhất đó là đất nước Pháp xinh đẹp lại có thể khiến hai công chúa siêu biếng ăn nhà cô trở nên dễ tính và có thể ăn mọi thứ.

Dưới đây là 07 quy tắc mà cô học được từ các ông bố, bà mẹ Pháp dạy con ăn uống:

Hình minh họa

1. Cha mẹ sắp xếp các bữa ăn. Trẻ em ăn những gì người lớn ăn

Khi con gái của Le Billon đi đến trường học ở Pháp, thực đơn bữa trưa của con là: củ cải xào, cá tuyết Alaska, phô mai xanh, pate nước với dưa chua. Khẩu vị của các bé được tiếp xúc với những món ăn có hương vị mạnh. Le Billon nói, cô còn từng nhìn thấy một đứa bé chín tháng tuổi vui vẻ ăn một miếng pho mát Roquefort. Trẻ em Pháp ăn ba bữa một ngày, cộng với một bữa ăn nhẹ lúc 4 giờ chiều. Các bậc cha mẹ lựa chọn thực đơn, và trẻ buộc phải ăn theo thực đơn đó, nếu không ăn cũng sẽ không có món ăn khác thay thế.

2. Ăn các bữa ăn gia đình với nhau và làm cho trẻ cảm thấy mới lạ

Le Billon giải thích rằng trẻ em thực sự thích thú với nghi lễ trong các bữa ăn hàng ngày của Pháp. "Người Pháp không bao giờ ăn mà không đặt một cái khăn trên bàn. Với trẻ em, mỗi bữa thay đổi một chiếc khăn trải bàn khiến trẻ cảm thấy mới mẻ và hào hứng. Đặc biệt là hình in ngộ nghĩnh trên bát đĩa, khăn trải bàn sẽ giúp trẻ cảm thấy hào hứng hơn với bữa ăn và ăn được nhiều hơn.”

3. Đồ ăn không phải là một phần thưởng, hình phạt hay hối lộ

Nhiều bậc phụ huynh hay lấy đồ ăn làm phần thưởng hay hình thức “hối lộ” cho trẻ: Con chịu ngồi vào ghế thì thưởng cho một cái kẹo; Con cất dọn đồ chơi thì thưởng gói bim bim; Con không ngoan thì không được ăn bánh;... Cách làm này vô tình đã khiến trẻ có nhận thức sai lệch về đồ ăn, có thể dẫn đến việc ăn uống theo cảm xúc trong cuộc sống sau này của trẻ. Người Pháp dạy trẻ có một sự tôn trọng sâu sắc đối với thực phẩm và không phải chỉ khi nào họ đang chán, khó chịu hoặc mệt mỏi mới được ăn ngon.

4. Ăn rau đầu tiên, ăn nhiều loại rau

Người Pháp thường ăn món rau đầu tiên trong mỗi bữa ăn, khi trẻ con đang đói nhất, để trẻ ít nhiều đều phải ăn rau. Hơn nữa, các món rau thường được làm theo kiểu rau trộn hoặc salad, khiến mùi vị và màu sắc của món rau trở nên hấp dẫn hơn.

5. Con không cần phải thích món này, nhưng con phải nếm nó

Bàn ăn không phải là một trận chiến. Cha mẹ Pháp không bao giờ ép buộc hay nịnh nọt con để ăn một món ăn nào đó. Le Billon cho biết: "Nếu các con không chịu ăn, cha mẹ chỉ cần lấy món ăn đó đi, không trách móc hay nài ép gì con". Bác sĩ nhi khoa Courtney cũng đồng ý với phương pháp này. Cô cho rằng không nên ép buộc hay nịnh con ăn uống, và cũng không khen ngợi khi con ăn một món con không thích. Coi chuyện ăn uống là điều hiển nhiên. Nếu con không chủ động ăn một món nào đó, bạn có thể ăn ngon lành trước mặt con để làm mẫu, khơi gợi sở thích và trí tò mò của bé. Nếu bé hỏi có ngon không, khuyến khích bé tự nếm thử và quyết định xem món ăn đó có hợp khẩu vị đó hay không.

Theo các nhà dinh dưỡng, hầu hết trẻ em phải nếm thức ăn mới 7-15 lần trước khi chúng sẵn sàng đồng ý để ăn chúng! Vì vậy, nếu trẻ em ban đầu không thích một thực phẩm nào đó, không có nghĩa là bé sẽ không bao giờ ăn.

6. Không ăn vặt để bé cảm thấy đói trong các bữa ăn

Nhiều phụ huynh luôn lo lắng trẻ em không thể chịu được đói, hoặc để trẻ đói sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, bất kỳ khi nào con đòi ăn, phụ huynh lập tức đáp ứng. Tuy nhiên, cha mẹ Pháp không đồng ý với quan điểm đó. Họ cho rằng trẻ phải ăn uống theo đúng bữa, đói một chút sẽ giúp trẻ ngon miệng hơn trong bữa ăn. Ngoài ra, Le Billon cho rằng, khi trẻ bị đói, trẻ sẽ học được cách đối phó với cơn đói của mình. Bé sẽ tự giác ăn nhiều hơn trong bữa ăn, để đảm bảo cơ thể đủ năng lượng cho đến bữa ăn tiếp theo.

7. Ăn chậm là hạnh phúc

Nghị định của chính phủ Pháp quy định, trẻ em Pháp phải dùng tối thiểu ba mươi phút cho các bữa ăn trưa ở trường. Các bữa ăn không chỉ để ăn, mà còn là thời gian giao lưu, gắn kết tình cảm với bạn bè. Dạy trẻ kiên nhẫn ngồi đến hết bữa ăn và tận hưởng cuộc trò chuyện với những người thân yêu là như vậy một kỹ năng sống quan trọng.

Viết bình luận của bạn